Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học phí tăng cao nhất từ 1,5 đến 2 lần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm học tới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương xây dựng và áp dụng mức học phí mới, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thu – chi, chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Năm học mới, sẽ có 20/63 tỉnh thành áp dụng mức học phí mới – Ảnh: Đ.N.T

Đến thời điểm này, có 20 tỉnh thành sẽ áp dụng mức học phí mới ngay từ đầu năm học tới là Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… Phát biểu chỉ đạo về nhiệm vụ đổi mới tài chính mà ngành GD-ĐT phải thực hiện trong năm học tới, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong tháng 8 và chậm nhất là tháng 12 năm nay, các địa phương còn lại phải thực hiện xong nhiệm vụ này. Ông Nhân nhấn mạnh học phí mới phải thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp của người dân nhưng tuyệt đối không gây quá tải.
“Học kỳ I của năm học tới, thành phố  vẫn áp dụng mức học phí cũ, sẽ nghiên cứu xây dựng học phí mới và áp dụng vào thời điểm hợp lý” – Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Theo ghi nhận của phóng viên, mức học phí ở mỗi tỉnh thành có điều chỉnh khác nhau nhưng đều tăng cao nhất khoảng 1,5 đến 2 lần so với mức học phí hiện hành. Hà Nội và TP.HCM chưa áp dụng mức học phí mới, ít nhất là trong học kỳ I. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh dự thảo đề án học phí mới cho phù hợp hơn để trình HĐND thành phố vào kỳ họp tới, nếu được sẽ được áp dụng từ học kỳ II. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho hay: “Học kỳ I của năm học tới, thành phố  vẫn áp dụng mức học phí cũ, sẽ nghiên cứu xây dựng học phí mới và áp dụng vào thời điểm hợp lý”.
Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang cũng  thông  tin nếu HĐND thông qua  thì tỉnh sẽ áp dụng mức học phí mới bắt đầu từ học kỳ 2.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Độ, cho biết năm học này, Sở GD-ĐT Hà Nội  sẽ có hướng dẫn cụ thể về thu chi tài chính. Ngoài ra, Sở sẽ chủ động họp với tất cả các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện đúng trách nhiệm, chỉ thu đúng, thu đủ để chi cho hoạt động của của học sinh. Ông Độ khẳng định: “Chúng tôi cũng quán triệt tới các trường và giáo viên tuyệt đối không gây khó khăn hoặc có biểu hiện trù dập với những học sinh mà cha mẹ không có điều kiện hoặc không đồng tình với mức đóng góp nào đó ngoài quy định”.
Ông Trần Thanh Đức cho biết, năm học tới sẽ phải tiếp tục chấn chỉnh mạnh hoạt động ban đại diện cha mẹ HS. Có những khoản thu thông qua ban đại diện cha mẹ HS mà Tiền Giang buộc phải cấm, ví dụ như việc đầu tư cơ sở vật chất theo ý muốn của một bộ phận phụ huynh, chỉ phục vụ một nhóm đối tượng học sinh mà không vì lợi ích chung của trường.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu các địa phương năm nay phải quyết liệt chấn chỉnh việc lạm thu. “Bậc tiểu học được miễn học phí theo quy định, nếu thiếu kinh phí trong hoạt động nào đó ở bậc học này thì phải cân đối lại ngân sách địa phương chứ không tự ý đề ra các khoản phụ thu của phụ huynh” – ông Nhân nói.
Tuệ Nguyễn / TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)