BS.CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 – Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia nói về thực trạng học sinh bấn loạn tinh thần vì học quá sức
|
Nếu ai đó có dịp vào Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hẳn sẽ không thể cầm lòng được trước những câu chuyện éo le. Mỗi người, khi lập gia đình đều mong muốn con cái sau này trưởng thành. Nhưng với một số ít người nào đấy, “cây gần đến ngày hái quả” thì bỗng nhiên, thành quả của họ có thể bỗng chốc trở thành công cốc. Và bi kịch này, không ai khác chính họ đã tạo ra.
Mỗi bệnh nhân là một nỗi đau
11 giờ trưa ngày 29-3, có mặt tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội lúc mọi người chuẩn bị ăn cơm trưa. Tiếp tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia. Không giấu nổi cảm xúc của mình, BS. Dũng khẳng định mỗi học sinh, sinh viên vào đây đều là một nỗi đau. Trước kia, chưa có khoa nhi, viện chưa có những ca đặc biệt như bây giờ. Nhưng hai năm trở lại đây, khi khoa nhi đi vào hoạt động thì cứ sau mỗi kỳ thi, viện lại đông hơn mọi ngày. Đang chia sẻ, bỗng có tiếng gọi ngoài cửa “Bố Dũng ơi, con không muốn về phòng” và cánh cửa phòng bật mở. Bước vào là một cô gái khá mập mạp nhưng cảm nhận đầu tiên của tôi đó là đôi mắt. Đôi mắt của em dường như lâu lắm rồi chưa ngủ. Nó không còn linh hoạt mà lúc nào cũng ở trạng thái buồn ngủ. Em không nhìn lên cũng không nhìn xuống và những cái chớp mắt cũng rất ít. Đến ân cần hỏi han, BS. Dũng cho biết đây cũng là một ca đặc biệt của viện. Em là L.T.K, quê ở Bắc Giang. Năm nay K. đã 24 tuổi. Theo lời BS. Dũng, K. bị bệnh nặng như hiện nay là do các bác sĩ trước đó chữa cho em “lệch” phác đồ điều trị, chẩn đoán bệnh không chính xác. Tìm hiểu tôi mới biết, hoàn cảnh của K. khá đặc biệt. Nhà có hai anh em, mẹ làm trong quán ăn, bố là công nhân nghỉ hưu, anh của K. nghiện hút nên mọi hy vọng của gia đình đều đặt lên vai K. Chính vì vậy, học xong lớp 12, K. được hướng thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Không đỗ vào trường, K. mang trong mình “vết thương” tinh thần. Ban đầu, K. ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ ngồi trong nhà. Đi khám, bác sĩ đoán K. bị suy nhược thần kinh và cho K. rất nhiều các loại thuốc. Càng uống, gia đình càng thấy bệnh tình của K. nặng thêm. Đến khi gia đình đưa K. đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia thì theo BS. Dũng đã quá muộn. Bây giờ, lúc nào nói chuyện, K. cũng cho biết mình học kế toán, rồi học sư phạm, sau đó thi ĐH Y và giờ muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc, sang Đài Loan để kiếm tiền cho gia đình. Chào chúng tôi ra khỏi phòng, K. không quên nói lại: “Con chào bố. Con về trang điểm cho xinh đẹp hơn để sang Hàn Quốc”. Bước chân vô hồn của K. bước ra khỏi phòng khiến tôi thấy lòng mình nghẹn lại. 24 tuổi, K. giờ giống như một đứa trẻ, thậm chí còn không minh mẫn như một đứa trẻ. Không biết bố mẹ K. nghĩ gì, nhưng đón em ở cửa phòng, bố K. lặng lẽ dẫn con gái về phòng nằm nghỉ.
Ước mơ người lớn, bi kịch trẻ con
|
May mắn hơn K., hôm nay, N.V.S (quê ở Hà Nam) được làm giấy xuất viện. Khi bố S. vào xin chữ ký, BS. Dũng không quên nhắc nhở gia đình về nhớ cho S. uống thuốc đều, sau thời gian nữa thì lên khám lại. Xuất thân trong một gia đình ở miền quê nghèo của Hà Nam, S. học khá nên là giấc mơ kiếm tiền của cả gia đình. Học xong cấp 3, bố mẹ cho S. đi học tại một trường trung cấp nghề. Nhưng khi đi vào thực hành, tay nghề của S. không được tốt. Nhưng mỗi lần về quê, nhìn thấy sự kỳ vọng của bố mẹ, S. không biết phải nói thế nào. Lâu ngày, dần dần S. sợ đi học, mỗi lần nhắc đến thầy giáo, S. lại lên cơn co giật. Sau một thời gian được chữa trị tại viện, bệnh tình của S. đã thuyên giảm nhiều. Ngày S. ra viện, đó không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn là niềm vui của những người như BS. Dũng.
Theo phân tích của BS. Dũng, chính sự kỳ vọng quá lớn của gia đình đã gây áp lực cho trẻ. Áp lực này lâu ngày tích tụ sẽ gây ra một hậu quả rất nặng nề. T.T. ở Cần Thơ là một ví dụ. Là học sinh xuất sắc của một trường THPT tại Cần Thơ. Thi đỗ vào ĐH Y Cần Thơ nhưng sau khi có kết quả thi, gia đình thấy T. chán ăn, ít ngủ, lúc nào cũng nói ôn bài. Đưa đi khám, bác sĩ cho T. uống thuốc. Ba tháng sau, bệnh tình của T. không đỡ mà người T. chỉ còn như xác ve. Gia đình cấp tốc đưa T. ra Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia. Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ ở đây mới biết gia đình T. khá nghèo. T. học được nên mọi người đều kỳ vọng T. sẽ thay đổi số phận cho cả gia đình. Chính những kỳ vọng này đã khiến T. luôn có suy nghĩ lúc nào cũng phải cố gắng học giỏi để vươn lên sau này kiếm được thật nhiều tiền về nuôi gia đình.
Mới đây nhất, ngày 26-3, N.V.Tr, học sinh lớp 11 Trường THPT Đồ Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng nhập Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia trong tình trạng cắt cổ tay tự tử hụt lần hai. BS. Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá bình thường, tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi khi bệnh nhân nghĩ đến việc đi học, làm bài tập về nhà là ngay lập tức xuất hiện những tiếng nói chỉ huy, những ảo giác trong đầu. Bệnh nhân rất sợ việc đi học… Gia đình Tr. không nghèo, ngược lại còn rất khá giả nhưng bố mẹ đều làm nghề buôn bán. Chính vì vậy, bố mẹ luôn mong muốn Tr. sau này phải học hành đến nơi, đến chốn không được theo nghiệp bố mẹ. Chán nản trong học tập, năm học lớp 10, Tr. đã dại dột tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ và chính thức phát bệnh tâm thần từ đó. Tuy nhiên, em vẫn đi học và hoàn thành được điểm số các môn ở các kỳ học dù không cao. Học ở lớp chọn toán 1 đến hết kỳ 1 của năm học lớp 11, gia đình đành phải xin chuyển em sang lớp chọn toán 2 vì Tr. tiếp tục tìm đến cái chết lần 2 bằng việc dùng dao cắt mạch máu tự tử. Tâm sự về hành động dại dột của mình, Tr. cho biết em thấy cuộc sống của em như địa ngục. Em thấy mình đã phải sống khổ sở rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến việc đi học, em lại nghe thấy có tiếng nói như của mọi người xung quanh đang chửi, mắng em là kẻ hèn nhát, đồ bỏ đi, ngu ngốc… Những lúc như thế, em thấy đầu óc rất căng thẳng, phẫn uất, dày vò và không muốn sống thêm để chịu khổ nữa.
Hiện nay, BS. Dũng cho biết có 5 trường hợp là học sinh, sinh viên đang điều trị tại viện. Nhưng ông cũng khẳng định, sau mỗi kỳ thi, con số này cao hơn rất nhiều.
Hãy nghĩ tới cảm xúc của trẻ
Thưa ông, thời gian gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên mắc nhiều các chứng bệnh về tâm lý. Ông có lý giải gì về vấn đề này không?
BS. Nguyễn Văn Dũng (Trưởng khoa T4): Dưới góc độ nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy về sinh lý của các cháu vị thành niên: Bình thường các cháu phải ngủ từ 8 đến 12 giờ/ ngày. Thời gian chơi của các cháu cũng phải tương xứng. Ăn từ 1.800 đến 2.200kcal/ngày. Khi không đáp ứng đủ yêu cầu này thì cơ thể trẻ rất dễ bị thay đổi bởi tác nhân môi trường bên ngoài.
Thứ hai từ sự thiếu hụt không đáp ứng đủ yêu cầu trên sẽ dẫn đến tình trạng gây sức ép về quy tắc, về y tế, vế sức khỏe. Trong khi đó, nhận thức của giáo viên, gia đình và của xã hội đều cho rằng những việc này là bình thường, chỉ việc ăn thôi, cứ học đi, ngủ vừa thôi, dẫn đến việc trẻ rất dễ tổn thương. Khi các cháu đã bị tổn thương thì rất dễ dẫn đến các bệnh khác. Sau mỗi đợt thi chúng tôi nhận được rất nhiều ca rối loạn cảm xúc. Các cháu rất dễ cáu giận, có thể làm những việc rất khó tưởng tượng. Có 3 mức độ biểu hiện. Một là mức độ dễ thay đổi của cảm xúc. Khi bị áp lực của học tập, áp lực của kiến thức sẽ khiến trẻ rất dễ cáu giận, gây lo âu, gây rối loạn tinh thần. Sau một thời gian, trẻ sẽ cục cằn hơn, dễ tấn công mọi người. Thứ hai là dễ mắc các bệnh do cơ thể bị suy nhược. Cơ thể mất sức đề kháng do suy sụp về tinh thần sẽ dẫn đến gầy yếu từ đó dẫn đến tổn thương. Đó là một tác nhân.
Thứ ba là do cơ thể suy kiệt nặng là cơ hội cho các rối loạn tinh thần. Đây là biểu hiện nặng nhất và rất khó chữa.
Khi phát hiện ra con cái bị rối loạn cảm xúc, các gia đình nên làm thế nào, thưa ông?
Các biểu hiện rối loạn của trẻ là rối loạn giấc ngủ, tính tình thay đổi, không chịu chăm chút cho bản thân mình. Hay ngồi trầm tư suy nghĩ, hoặc quá chú tâm vào việc gì. Khi phát hiện ra con em mình có những biểu hiện như trên thì không nên đưa trẻ ngay đến các bác sĩ để uống các loại thuốc dưỡng não, tuần hoàn não cũng như không nên cúng bái hoặc uống thuốc lá. Đối với những trường hợp rối loạn giấc ngủ, đa số các bác sĩ không đúng chuyên khoa thường điều trị các loại thuốc như tuần hoàn não, đây là một sai lầm lớn. Điều này là nghiêm cấm tuyệt đối trong điều trị loại bệnh này. Ngay cả với những trẻ không có vấn đề gì, cũng không nên dùng nhiều thuốc bổ.
Học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi ĐH. Ông có lời khuyên nào dành cho các em không?
Gia đình nên có thời gian biểu cho con học tập hợp lý. Thứ hai là tăng cường chế độ dinh dưỡng, đảm bảo đủ ca-lo trong ngày. Ăn các chất dễ tiêu như hoa quả. Tránh tạo cho trẻ những sang chấn tâm lý, những áp lực quá lớn. Không nên dùng bất cứ loại thuốc gì với cơ thể của trẻ. Nếu cần nhiều thời gian để ôn thi, cần thiết phải uống cà phê hay nước chè thì nên uống buổi sáng, hoặc buổi chiều, không nên uống buổi tối. Các loại thuốc bổ, vitamin không nên uống vào buổi tối. Đặc biệt thuốc tuần hoàn não không nên uống buổi tối. Những trường hợp có rối loạn giấc ngủ kéo dài trên một tuần cần nên khám ngay bác sĩ. Tôi muốn truyền đạt tới mọi người là hãy có kiến thức về sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần phải biết rằng sau 22 tuổi não con người mới biệt hóa.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)