Việc phát triển nghề nghiệp cho giáo viên đã mang lại những kết quả giáo dục tuyệt vời ở ba nơi là Thượng Hải, Singapore và British Columbia (Canada).
Một lớp học ở Singapore, học sinh đang đọc báo – Ảnh: AFP |
Đó là nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và giáo dục quốc gia Mỹ.
Không nên dành nhiều thời gian đứng lớp!
Báo cáo nghiên cứu nhận ra rằng tại ba khu vực này, giảng dạy tức là sự nâng cao kỹ năng chuyên môn và hoạt động tương tác giữa những đồng nghiệp. Đó là những yếu tố rất được chú trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp của giáo viên.
So với giáo viên các nước, giáo viên Mỹ đang dành nhiều thời gian đứng lớp hơn, từ đó dẫn tới việc họ có ít thời gian hơn để chuẩn bị bài giảng, cũng như tham gia các hoạt động hợp tác chuyên môn khác. Mỗi tuần giáo viên Mỹ dành 27 giờ đứng lớp, trong khi đó ở Hàn Quốc và Thượng Hải là 19 giờ một tuần.
Bà Elizabeth Green, tác giả cuốn Building a better teacher (Đào tạo một giáo viên giỏi hơn), cho rằng: “Các giáo viên (Mỹ) không có thời gian để tư duy, không có thời gian để học, không có thời gian nghiên cứu bọn trẻ, không có thời gian để nghiên cứu chương trình giảng dạy. Họ không có cách nào để quan sát bất cứ thứ gì xảy ra bên ngoài lớp học của họ”.
Tại Singapore, các giáo viên đặt ra những mục tiêu về việc học sinh của họ sẽ học hỏi được những gì. Và nếu học sinh của họ không đạt được những mục tiêu đó, họ sẽ chỉnh sửa lại phương pháp giảng dạy. Cách tiếp cận này đã biến giáo viên thành những nhà nghiên cứu đánh giá dữ kiện thông tin và thay đổi phương pháp tiếp cận cho phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, các giáo viên dùng bốn câu hỏi để tùy chỉnh công việc của họ: 1 – Chúng tôi muốn học sinh của mình học được những gì? 2 – Chúng tôi sẽ muốn các em học điều đó như thế nào? 3 – Chúng tôi sẽ giải quyết ra sao khi học sinh không học được chúng? 4 – Chúng tôi sẽ làm gì khi học sinh đã biết điều đó rồi?
Hãy để đồng nghiệp cùng phát triển với mình!
Cách tổ chức thời gian giảng dạy ở Thượng Hải, Singapore và British Columbia tạo điều kiện để giáo viên có thời gian hợp tác với nhau, loại bỏ những kỹ năng chuyên môn thiếu hiệu quả và tạo lộ trình nghề nghiệp đa dạng hơn với các giáo viên muốn trụ lại với nghề.
Các giáo viên ở những nơi này không chỉ chịu trách nhiệm với việc học hành của học sinh, mà còn với cả sự phát triển của các đồng nghiệp. Họ cùng nhau hợp tác để xây dựng các bài học hay hơn và những cách giảng dạy mới. Họ cũng thường xuyên đánh giá xem công việc của mình có thật sự phát huy hiệu quả trong lớp học hay không.
Tại Singapore một nhóm ưu tú gồm các “giáo viên bậc thầy” sẽ có trách nhiệm hỗ trợ những giáo viên khác trong trường nâng cao chuyên môn. Những người thuộc nhóm này sẽ đào tạo những cố vấn và những chuyên gia khác trong hệ thống giáo dục. Rồi những người được đào tạo này sẽ lại giúp các giáo viên mới hơn phát triển năng lực.
Hệ thống giáo dục của Singapore thể hiện rất rõ ràng rằng cách để nâng cao chất lượng các ngôi trường chính là nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi việc phải đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ giáo viên. Dám chấp nhận những trục trặc thì mới có thể phát triển được, đó là quan điểm mà giới nghiên cứu giáo dục nhận ra tại những khu vực áp dụng hệ thống giáo dục mới như Singapore.
D.KIM THOA/TTO
Bình luận (0)