Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh bán hàng trên “phây”…

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa bước vào lớp 12A10, thầy Lân nhìn phía dưới lớp thì ngạc nhiên thấy một bọc lớn bánh tráng trộn để trên bàn, món khoái khẩu của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma…”. Thầy hỏi lớp có liên hoan gì mà mua bánh nhiều vậy thì được các em cho biết đó là “hàng” của bạn H.; đem vào bán trên mạng facebook (FB), chuẩn bị giao cho “khách hàng” là đám học sinh lớp 10!

Hết giờ, thầy vào căng tin uống cà phê và kể lại câu chuyện trên cho các bạn đồng nghiệp. Nghe xong, mọi người phá lên cười và cho biết chuyện học sinh tham gia “phong trào” bán hàng trên mạng FB là “xưa” lắm rồi! Không những học sinh lớp 12 mà cả học sinh lớp 10, 11 đều “tham gia” nhiều. Hàng của các em bán cũng khá phong phú. Nào là thực phẩm, các loại bánh; nào là quần áo thời trang; nào là bóp, đồng hồ, giày thể thao… “Nhưng việc mua bán hàng trên mạng như vậy có lợi thế nào?”, thầy Lân nêu câu hỏi rất thật tình.

Cô Nguyên, chủ nhiệm một lớp 12 góp chuyện: “Theo tôi, cái lợi là học sinh rèn luyện kỹ năng sử dụng mạng trong “thế giới phẳng” ngày nay. Hai là các em biết cách quảng bá hàng hóa, thu hút khách hàng; giữ uy tín “thương hiệu” của mình. Thứ ba là các em tự làm ra đồng tiền bằng sức lao động chân chính; giảm bớt phần nào gánh nặng cho cha mẹ. Có em còn tiết kiệm được tiền đủ đi du lịch Đà Lạt, Nha Trang trong những ngày hè…”.

“Thế còn cái hại thì sao?” – Nói về cái hại thì theo cô Nguyên: Thứ nhất là rất mất thời gian để lên mạng trả lời hoặc hướng dẫn cho khách hàng việc mua bán. Tiếp theo đó, khi khách đã đồng ý mua thì phải chạy đi giao hàng cho kịp thời. Nhiều khi các em còn học ở lớp nhưng “tâm hồn” để ở nhà vì có khách mua hàng. Thế là các em “huy động” cha mẹ, anh chị cùng “vào cuộc”, chạy đi giao hàng cho khách nhằm thực hiện tốt phương châm phục vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”!

Nhưng một khi có được nhiều tiền, nhiều em trở nên “say mồi”; có khi xao nhãng việc học mà chỉ chăm chú tìm cách nào bán được nhiều hàng nhất, thu được nhiều tiền nhất” – cô Nguyên kết luận…

Việc mua bán hàng trên mạng phổ biến hiện nay thì không ai cấm cản được. Vấn đề đặt ra là các em xác định được nhiệm vụ chính của mình là học, là tiếp nhận kiến thức. Việc bán hàng chỉ mang tính chất “vui là chính”; không thể để lỡ dở chuyện học hành. Kiếm tiền là công việc quan trọng nhưng việc học ở lứa tuổi này còn quan trọng hơn… Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc nhắc nhở, giáo dục các em lúc này thật là cần thiết!

Thạch Hoài Lam

Bình luận (0)