Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh bỏ học là do nhà nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên về tình hình chuẩn bị đầu năm học 2009-2010, ông Trần Trọng Khiếm, quyền Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ khẳng định: Bắt đầu năm học 2009-2010, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tất cả các cấp học trên địa bàn TP. Cần Thơ sẽ không thu tiền xây dựng của học sinh. Thế nhưng, đã qua học kì 1 của năm học, việc thu tiền xây dựng đã hoàn thành nhưng vẫn chưa có văn bản nào cho phép miễn khoản thu này…
Theo nhiều cán bộ giáo dục thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học của học sinh là do nhà nghèo, không có điều kiện đi học, không có tiền đóng học phí… Vì vậy, những năm gần đây, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh nghèo đến trường. Năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các sở GD-ĐT ở các địa phương thực hiện lo 3 đủ: đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở cho học sinh khi bước vào năm học mới với quyết tâm không để học sinh nào không thể đến trường vì thiếu tập, sách, quần áo… Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường học không thu tiền xây dựng của học sinh để giảm áp lực về tiền bạc cho phụ huynh học sinh.
Thế nhưng không phải trường hợp nào cũng được thụ hưởng các chính sách này. Trường hợp, học sinh Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 6A6, Trường THCS Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai là một ví dụ. Đầu năm học, Huy đã nhận giấy báo đóng các khoản tiền và mẹ em phải chạy vạy nhiều nơi để có 300.000 đồng đóng các khoản tiền và mua quần áo cho Huy. Tiền nợ, 2 mẹ con phải tiết kiệm từ khoản tiền lời bán vé số mỗi ngày để trả. Ngoài một buổi học ở trường, buổi còn lại, Huy phải bán vé số. Vừa ra khỏi cổng trường sau buổi học, chưa kịp ăn cơm, Huy đã thay ngay áo đồng phục nhận xấp vé số từ tay mẹ để bán. Huy cười: “Bữa nay mưa mẹ bán ế quá, con bán tiếp mẹ một lát rồi vào học tiếp buổi chiều vì hôm nay con học tới 2 buổi lận”.
Năm học này, Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) thực hiện thu từ đầu năm học là 1.129.000 đồng (kể cả tiền ăn 1 tháng), học sinh bán trú các lớp khác phải đóng 629.000 đồng; học sinh 2 buổi/ngày là 235.000 đồng. Các khoản thu trên chưa tính các tiền bảo hiểm và tiền bảng tên. Trong các khoản thu đáng chú ý nhất là khoản thu tiền xây dựng (500.000 đồng/5 năm) đối với học sinh lớp 1 bán trú mới và 60.000 đồng/năm đối với học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Tương tự Trường Tiểu học Ngô Quyền, các trường khác trên địa bàn quận Ninh Kiều đều thực hiện việc thu khoản tiền xây dựng. Ở quận Ô Môn thu xây dựng như những năm học trước, mầm non thu 50.000 đồng/năm; tiểu học: 60.000 đồng/năm; THCS thu 70.000 đồng/năm. Số tiền này với nhiều người là không lớn nhưng với những phụ huynh không ruộng đất, không nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh là không nhỏ.
Theo dự kiến của các trường, tình hình thu học phí năm nay cũng không khả quan hơn những năm học trước. Chẳng hạn, Trường THPT Phan văn Trị, Trường THPT Lương Định Của… dự kiến các khoản thu chỉ đạt trên 60% học sinh. Nhiều học sinh không có tiền đóng phải ghi nợ từ năm này qua năm khác. Các trường thu ít sẽ gặp khó vì ít kinh phí hoạt động. Nhưng nếu đòi siết quá học sinh sẽ bỏ học. Và gánh nặng lại đè lên vai phổ cập. Nếu làm một bài toán nhỏ để so sánh sẽ thấy việc giảm, miễn học phí tạo điều kiện cho học sinh đến trường sẽ có lợi rất nhiều so với việc cấp kinh phí cho học sinh học phổ cập. Vì sao không nhìn xa hơn?
BẢO NGỌC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)