Một khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy hơn 95% học sinh (HS) phổ thông có nhu cầu được tư vấn chia sẻ, trong khi đó vẫn chưa có một cơ chế chính thức nào cho hoạt động tư vấn tâm lý học đường.
Sáng qua 20.1, Vụ Công tác HS – sinh viên Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về công tác tư vấn tâm lý trong trường học.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hà Nội cho rằng phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của HS để định hướng, chia sẻ. Nếu chờ đến lúc HS phải tìm đến cán bộ tư vấn thì lúc đó tình hình đã… hỏng bét rồi. Theo bà Phương Anh, hầu hết HS THPT ở thành thị hiện nay đều dùng mạng xã hội nên đó là kênh thông tin hữu hiệu nhất để giáo viên, cán bộ tư vấn tâm lý biết HS của mình đang gặp phải vấn đề gì.
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cũng cho rằng hàng loạt những băn khoăn, vướng mắc mà HS gặp phải và do chưa được chia sẻ, định hướng dẫn tới việc có em bị trầm cảm, thậm chí tự tử chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt.
Đánh giá của Bộ GD-ĐT tại hội thảo thừa nhận công tác tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự được chú trọng. HS, sinh viên thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý và giải quyết những khó khăn trong học đường cũng như ngoài xã hội.
Theo khảo sát gần đây của Bộ GD-ĐT được tiến hành trên một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội, Hải Dương, có tới 93,57% số HS, sinh viên được hỏi cho biết thường gặp phải những khó khăn vướng mắc cần có sự chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. 82,31% HS mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo, có cán bộ chuyên trách.
Hiện tại chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở các nhà trường; chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm công tác này. Cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện trên cả nước mới chỉ TP.HCM có quyết định và cơ chế cho hoạt động tư vấn tâm lý học đường.
Tuệ Nguyễn
(TNO)
Bình luận (0)