Kỹ năng sống (KNS) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành và định hướng nhân cách cho học sinh. Trong những năm gần đây, ngành GD-ĐT TP.HCM đã và đang đẩy mạnh hoạt động này trong các trường học.
Một hoạt động giáo dục KNS cho học sinh THPT. Ảnh: L.Vy |
Để hiểu rõ hơn về hoạt động này trong nhà trường hiện nay, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh (Trưởng phòng Công tác Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM).
– Ông Minh cho biết: Hoạt động rèn luyện KNS vốn đã được triển khai từ rất lâu tại các trường học trên địa bàn TP.HCM. Nhưng chỉ đến khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 04/2014 về quản lý hoạt động giáo dục KNS và giáo dục ngoài giờ chính khóa và văn bản 463/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục KNS tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thì Sở GD-ĐT TP.HCM mới chính thức ban hành văn bản số 1452 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục trực thuộc, đưa KNS trở thành một hoạt động chính thức trong nhà trường. Trong văn bản này có hướng dẫn cụ thể mục tiêu giáo dục KNS, giáo dục ngoài giờ chính khóa cho từng bậc học; điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình tổ chức hoạt động giáo dục KNS và giáo dục ngoài giờ chính khóa; trách nhiệm của các đơn vị liên quan…
PV: TP.HCM có chủ trương tăng cường các hoạt động kỹ năng thực hành cho học sinh. Vậy định hướng của Sở GD-ĐT trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
– Thực ra trong năm học 2016-2017, sở đã ban hành kế hoạch triển khai hoạt động giáo dục KNS. Mới đây, sở cũng đã tổ chức hội nghị hướng dẫn và định hướng các nội dung trọng tâm. Sau hội nghị, sở đã ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các trường phải đưa nội dung giảng dạy KNS vào trong kế hoạch hoạt động của trường trong năm học 2017-2018 và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong những năm học tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi cũng xác định với cán bộ quản lý rằng giáo dục KNS là một trong những nhiệm vụ mà các trường phải triển khai thực hiện và là một trong những cơ sở, tiêu chí đánh giá thi đua của đơn vị trong năm học mới này.
Được biết, Sở GD-ĐT đã cấp phép cho 50 cơ sở hoạt động giáo dục KNS và giáo dục ngoài giờ chính khóa. Vậy khi liên kết với các cơ sở này, các trường cần lưu ý điều gì, thưa ông?
– Các cơ sở hoạt động giáo dục KNS có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng giáo trình để tập huấn cho giáo viên, từ đó giáo viên triển khai hoạt động này trong nhà trường. Ngoài ra, các cơ sở này cũng phối hợp với nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục KNS cho học sinh bằng cách xây dựng bài giảng, chuyên đề cụ thể hoặc tổ chức hoạt động giáo dục KNS bên ngoài nhà trường bằng những hình thức kết hợp ngoại khóa để hướng dẫn kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Khi phối hợp với các cơ sở này, các trường cần lựa chọn đảm bảo theo tiêu chí: tư cách pháp nhân và kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động giáo dục KNS của họ. Đồng thời, các trường cũng phải xác định nội dung trọng tâm cần tổ chức là gì, phù hợp với đối tượng nào. Khi phối hợp phải ký kết hợp đồng, trong đó ghi cụ thể trách nhiệm của cơ sở và nhà trường… Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, hoạt động giáo dục KNS được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, vì vậy phải có sự tham gia và đồng thuận của phụ huynh. Cụ thể, nhà trường phối hợp với các cơ sở xây dựng nội dung chương trình, thời gian, số tiết hoạt động, kinh phí. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ thông tin rộng rãi đến phụ huynh, phụ huynh nào có nhu cầu cho con tham gia thì sẽ đăng ký.
Trang bị các kỹ năng ứng phó tình huống xảy ra trong học tập, sinh hoạt… Theo ông Minh. đối với học sinh tiểu học, hoạt động giáo dục KNS chủ yếu được lồng ghép vào các giờ dạy theo chương trình với mục tiêu hình thành và phát triển cho các em một số năng lực như: Tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề. Hình thành và phát triển một số phẩm chất như: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước. Riêng học sinh trung học và học viên GDTX chú trọng rèn luyện tiếp những kỹ năng mà các em đã được học ở tiểu học. Các hoạt động giáo dục KNS tập trung vào những giá trị cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực cho người học như: kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng tự nhận thức và cảm thông, kỹ năng quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực, kỹ năng tự học. Trong đó chú trọng rèn luyện thêm: Kỹ năng hòa nhập cuộc sống, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng trong học tập, lao động, vui chơi, giải trí; kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra trong lao động, học tập và sinh hoạt… |
Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến cho rằng học sinh còn thiếu các kỹ năng cơ bản để thích nghi với đời sống nên khi bước ra thế giới bên ngoài, các em khó hòa nhập với xã hội. Vậy hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường sẽ làm gì để giúp các em tự tin?
– Hoạt động giáo dục KNS cho học sinh ở TP.HCM hiện có thể nói là khá bài bản, đa dạng và đang được rất nhiều tổ chức quan tâm, ngoài Sở GD-ĐT còn có các tổ chức Đoàn, Đội. Hiện các trường có rất nhiều hoạt động, chương trình, sân chơi, ngoài KNS còn có các kỹ năng thực hành xã hội và luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Tuy nhiên, ngoài việc nhà trường xây dựng các chương trình để có sân chơi cho học sinh thì còn cần phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Có nhiều học sinh muốn tham gia nhưng phụ huynh chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện. Do đó, phụ huynh cần quan tâm và tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động để được trải nghiệm và trang bị thêm những kiến thức cần thiết. Ngay các tổ chức, trường ĐH nước ngoài khi muốn trao học bổng cho học sinh ngoài xác nhận về năng lực học tập cũng yêu cầu phải có xác nhận năng lực hoạt động xã hội, chính là các hoạt động đoàn thể trong nhà trường. Nhưng tiêu chí đó chỉ là phục vụ nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, các hoạt động rèn luyện KNS trong nhà trường đều được thiết kế để học sinh có những kỹ năng cần thiết, giúp các em có thể tồn tại, hòa nhập, phát triển và chứng tỏ được năng lực của mình khi rời ghế nhà trường.
Thưa ông, như vậy phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc định hướng và giáo dục KNS cho con mình?
– Hoạt động giáo dục KNS trong các trường học tại TP.HCM tuy đa dạng nhưng chỉ có thể trang bị, đáp ứng nhu cầu cơ bản, cần thiết, mang tính chất đại trà để tất cả các em cùng tham gia. Phụ huynh là người trực tiếp giáo dục con nên sẽ là người hiểu rõ con mình cần trang bị những kỹ năng gì. Theo tôi, phụ huynh nên chủ động tìm kiếm các hoạt động giáo dục KNS, tìm hiểu nguyện vọng của con mình và chủ động đề xuất với nhà trường tổ chức các hoạt động thông qua những buổi họp phụ huynh hoặc khi làm việc với giáo viên chủ nhiệm. Đây còn gọi là sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm trong việc định hướng và giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục KNS, cho con tham gia các buổi sinh hoạt dã ngoại, ngoại khóa do họ tổ chức để đáp ứng những tiêu chí con mình mong muốn.
Xin cảm ơn ông!
N.Anh (thực hiện)
Bình luận (0)