Những ngày đầu tiên của năm 2016, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với thầy và trò Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ).
Các em học sinh đang tìm hiểu thông tin, hình ảnh về ngành nghề |
An Nghĩa là một trong những ngôi trường nằm xa trung tâm TP.HCM, bị cách trở bởi phà Bình Khánh nên học sinh bị hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin về giáo dục nghề nghiệp.
Chọn nghề là chọn cho mình
Trái với sự tưởng tượng ban đầu, các em học sinh lớp 12 của Trường THPT An Nghĩa liên tiếp đặt câu hỏi cho Ban tư vấn. Đa số câu hỏi đều xoay quanh tính chất của ngành học, cách lựa chọn bậc học nào phù hợp với năng lực bản thân…
Ba mẹ nào cũng đều muốn tốt cho con cái nhưng đôi khi khoảng cách về tuổi tác, suy nghĩ dễ dẫn đến những định hướng trái ngược. |
Một trong những tình huống quen thuộc không chỉ học sinh Trường THPT An Nghĩa mà học sinh ở các trường khác gặp phải đó là sự can thiệp quá sâu của gia đình trong vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con cái. Em Nguyễn Tiến Phan (học lớp 12A2) là một trong số đó – sự trái ngược trong quan điểm đôi khi khiến em trở nên lúng túng không biết nên chọn theo ngành mình yêu thích là thiết kế đồ họa hay nên nghe theo định hướng của ba mẹ là theo ngành sư phạm. ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Công ty Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) cho rằng chọn nghề là chọn cho mình, chọn càng kỹ bao nhiêu thì hạnh phúc và cơ hội thành công sẽ dễ đến bấy nhiêu. Nếu thực sự thích ngành thiết kế đồ họa, em nên tìm hiểu tất cả các thông tin về tính chất, trường học, cơ hội việc làm rồi tìm cách thuyết phục gia đình. “Ba mẹ nào cũng đều muốn tốt cho con cái nhưng đôi khi khoảng cách về tuổi tác, suy nghĩ dễ dẫn đến những định hướng trái ngược. Em nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, và hạnh phúc nhất là được làm công việc mình yêu thích. Việc lựa chọn ngành học đúng có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này nên em cần suy xét kỹ lưỡng để tránh mất thời gian, công sức và tiền bạc”, ThS. Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.
Không có chuyện “ngành khối C lương thấp”
Ông Nguyễn Quốc Cường trao đổi với học sinh trong chương trình tư vấn |
Em Lê Ngọc Trọng (học lớp 12A6) cho biết: “Nhiều bạn có suy nghĩ rằng nếu thi khối C thì sẽ có rất ít ngành để lựa chọn, và các ngành có xét tuyển khối C khi ra trường lương sẽ thấp hơn các ngành khác. Vì vậy các bạn rất băn khoăn “kỳ thi THPT quốc gia sắp tới có nên đăng ký môn thi theo khối này hay không?””. Ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) khẳng định không có chuyện khối C có ít sự lựa chọn về ngành học. Hiện nay, các ngành có xét tuyển khối C khá đa dạng như luật, báo chí, công tác xã hội, du lịch, sư phạm… Năm 2016, kết quả kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được sử dụng cho cả 2 mục đích như năm 2015 nên những thí sinh đăng ký môn thi theo định hướng khối C vẫn được sử dụng kết quả các môn thi bắt buộc trong kỳ thi để xét tuyển vào các trường có khối, tổ hợp bộ môn xét tuyển phù hợp. Điều đó có nghĩa, các thí sinh thi khối C có thêm nhiều lựa chọn cho việc xét tuyển ngành học yêu thích. “Lương khởi điểm của sinh viên khi ra trường theo quy định của Nhà nước là như nhau. Lương cao hay thấp không phụ thuộc vào ngành học mà phụ thuộc vào vị trí mình làm và quá trình mình phấn đấu, thể hiện năng lực bản thân. Dù khởi điểm thấp nhưng nếu chọn đúng ngành mình yêu thích, biết đam mê và nỗ lực trong lĩnh vực hoạt động thì bất cứ ai cũng xứng đáng được nhận mức lương phù hợp cho sự nỗ lực đó”, ông Cường chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Hàng chục ngàn học sinh được hướng nghiệp Chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã mang thông tin giáo dục nghề nghiệp đến cho hàng chục ngàn học sinh 49 trường THPT trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là năm đầu tiên, chương trình nhận được sự phối hợp và ủng hộ nhiệt tình của Tỉnh đoàn, ban giám hiệu các trường THPT tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long. Không chỉ mở rộng phạm vi tư vấn, Ban tổ chức đã rất nỗ lực khi đưa chương trình đến với các trường ở vùng sâu vùng xa, nơi mà học sinh còn thiếu thông tin hướng nghiệp như huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ (TP.HCM), các trường thuộc khu vực vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long. Tại mỗi địa điểm tổ chức, các em học sinh đều được Ban tư vấn giải đáp cặn kẽ những câu hỏi về ngành nghề và cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016; thông tin về nhu cầu nhân lực, định hướng nghề nghiệp phù hợp trong thời gian tới. |
Bình luận (0)