Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh Cần Giờ được tư vấn hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh Trường THPT Cần Thạnh lắng nghe Ban tư vấn thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016

Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức lần đầu tiên đến với học sinh Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Tại đây, các em học sinh đã được Ban tư vấn cung cấp nhiều thông tin bổ ích trong việc chọn ngành nghề.

Hạnh phúc vì được tư vấn cụ thể

Thiếu định hướng nghề nghiệp đã làm không ít học sinh ở huyện Cần Giờ nghỉ học giữa chừng khi đang là sinh viên. Thầy Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, cho biết do trường nằm xa trung tâm thành phố nên nhiều thông tin về nghề nghiệp không cập nhật kịp thời, giáo viên tư vấn hướng nghiệp kiêm nhiệm nên học sinh chưa được tư vấn đầy đủ trong việc định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, nhiều em học năm nhất, năm hai ĐH, CĐ đã nghỉ học vì cảm thấy không phù hợp với ngành. Điều này gây tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức cho các em, gia đình và xã hội”.

Trong khi đó, cô Lê Thị Phương Dung, giáo viên bộ môn tiếng Anh (công tác tại trường từ năm 1998 đến nay), nói: “Những năm gần đây nhà trường đã đưa học sinh tham gia nhiều các ngày hội hướng nghiệp hoặc mời chuyên viên của các trường ĐH về trường tư vấn. Tuy nhiên, những chương trình này còn mang tính chung chung, chủ yếu là quảng cáo cho trường ĐH mà chưa giải đáp đầy đủ các thắc mắc của học sinh. Đây là lần đầu tiên học sinh của trường được các chuyên gia tên tuổi có chuyên môn cao đến từ nhiều trường ĐH uy tín tư vấn”.

Đồng tình với ý kiến này, thầy Ngô Tấn Hưng phân tích thêm: “Chúng tôi hết sức hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên một chương trình hướng nghiệp có tính chuyên môn cao như vậy tổ chức ở trường vùng sâu, vùng xa. Trước đây cũng có nhiều trường ĐH về tư vấn cho các em nhưng ít định hướng nghề nghiệp theo đúng sở thích, sở trường mà chủ yếu nói về hình thức tuyển sinh, các ngành tuyển sinh của trường… Trong khi đó, chương trình này không chỉ cập nhật những thông tin mới nhất về dự kiến tuyển sinh của các trường trong năm 2016 mà còn có cả chuyên gia về thị trường lao động nói về nhu cầu nhân lực; có chuyên gia tâm lý giúp các em cách khám phá bản thân phù hợp với ngành nào…”.

Nhiều câu hỏi khó cho Ban tư vấn

“Năm 2016, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ xét theo tỷ lệ 70/30, tức là điểm học lực lớp 12 quan trọng nhất, còn điểm trung bình kỳ thi THPT quốc gia chỉ chiếm 30%”, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết.

Em Phạm Trần Ý Nhi, lớp 12A1 hỏi: “Cách tính điểm tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã rõ nhưng năm 2016 thì có thay đổi gì không?”. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Đây là câu hỏi rất hay, đi đúng trọng tâm để các em có kế hoạch học tập. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ thành một kỳ thi THPT quốc gia. Quy chế chính thức năm 2015 xét tốt nghiệp là lấy 50% điểm thi THPT quốc gia (điểm trung bình 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn – PV) và 50% điểm học lực lớp 12 cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Năm 2016, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ xét theo tỷ lệ 70/30, tức là điểm học lực lớp 12 quan trọng nhất, còn điểm trung bình kỳ thi THPT quốc gia chỉ chiếm 30%. Đề thi năm 2016 dự kiến khó hơn đề thi năm 2015, vì đề năm 2015 bị phê là các câu hỏi khá dễ. Mặc dù đề có thể khó hơn nhưng điểm học lực lớp 12 để xét tốt nghiệp chiếm đến 70% nên các em cố gắng phấn đấu học tốt thì sẽ đạt được kết quả khả quan”.

Một học sinh lớp 11 bày tỏ: “Em muốn làm một nhà tâm lý chuyên phân tích về tâm lý tội phạm. Vậy ở nước ta trường nào đào tạo ngành tâm lý học tội phạm?”. Với câu hỏi này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Hiện nay, ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo chuyên sâu tâm lý học tội phạm. Trên thế giới cũng hiếm quốc gia đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên, nếu em muốn theo đuổi ngành tâm lý học tội phạm thì em có thể học tâm lý học nói chung đang đào tạo ở nhiều trường như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH& NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Văn Hiến… Tâm lý học nói chung có các môn như tâm lý học pháp lý, tâm lý học điều tra, tâm lý học thẩm phán. Ba môn học này giúp các em có kiến thức cơ bản về tâm lý học tội phạm. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể học lên cao hơn hoặc học văn bằng 2 ở Trường ĐH An Ninh để được đào tạo sâu hơn về phân tích tâm lý tội phạm”.

Bài, ảnh: D.Bình

Một số điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016

Tại chương trình, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho hay: Kỳ thi THPT quốc gia 2016 dự kiến có một số thay đổi như ngày thi dự kiến tổ chức sớm hơn năm 2015 khoảng nửa tháng (tổ chức ngày 13, 14 và 15-6). Thời gian thi được rút ngắn 1 ngày nhưng vẫn là 8 môn (năm 2015 thi 4 ngày). Do thời gian thi được rút ngắn nên Bộ GD-ĐT đang dự kiến có hai phương án: Phương án 1 sẽ có 2 môn thi được tổ chức đồng thời vào 1 buổi; phương án 2 là rút ngắn thời gian thi trắc nghiệm xuống còn 60 phút để tổ chức thi 2 môn trắc nghiệm lần lượt vào một buổi. 

 

Bình luận (0)