Sự kiện giáo dụcTin tức

Học sinh cần môi trường học thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu góp ý tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT

Hàng chục ý kiến của học sinh (HS) trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm nổi bật những vấn đề cần giải quyết trong môi trường học đường thời gian gần đây.
Vấn đề chương trình học vẫn được rất nhiều HS đưa ra mổ xẻ trong buổi đối thoại. Em Trần Thị Thanh Trúc, HS Trường THPT Trần Hưng Đạo thổ lộ: “Chương trình học đã được giảm tải nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, không có nhiều thời lượng để thực hành. Những bài học dường như lướt qua rất nhanh dẫn đến tình trạng HS khó nhớ bài sau khi đã học được một thời gian”. Em Phan Quốc Trí, HS lớp 12A6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay: Các bài thực hành thường thiếu thực tiễn hoặc cơ sở vật chất. “Em thấy sau mỗi chương học đều có bài thực hành. Trường em học 2 buổi/ngày nên các tiết thực hành vẫn được thực hiện đầy đủ. Nhưng một số bạn bè em ở trường khác than rằng thầy cô thường lấy tiết thực hành để bù vào chương trình học. Thời lượng tiết học do Bộ GD-ĐT quy định nhiều khi không đáp ứng được việc tìm hiểu kỹ một bài học”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Chương trình học của mỗi quốc gia đều được Nhà nước, các chuyên viên ngành GD-ĐT nghiên cứu và thẩm định rất kỹ trước khi đưa vào học chính thức. “Về cơ bản, chương trình học của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới chỉ khác nhau 10% kiến thức. Khái niệm “nặng” hay “nhẹ” còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của từng HS. Giáo viên hoàn toàn có thể chủ động điều giãn các tiết học trên lớp để phù hợp với nhu cầu tiếp thu của HS nhưng phải theo đúng tiến trình do Bộ GD-ĐT quy định”, ông Chương khẳng định.
Ngoài vấn đề trên, HS còn bày tỏ băn khoăn xung quanh những vấn đề “nóng” trong môi trường học đường hiện nay như mối quan hệ, ngôn ngữ giữa thầy – trò, giáo dục kỹ năng sống, xếp loại hạnh kiểm… Hưởng ứng Năm An toàn giao thông quốc gia 2012, rất nhiều HS đã bày tỏ quan điểm của mình về hình thức xử phạt, ý thức của mọi người khi tham gia giao thông. Một HS Trường THPT Bình Tân cho biết: Cổng trường em nằm ngay đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương nhưng lại không có giao lộ giao thông để qua đường. Để tiết kiệm thời gian, nhiều HS đã chọn cách đi ngược chiều hoặc băng qua đường vì nếu đi đúng chiều sẽ phải đi một đoạn đường rất xa. “Nhà trường đã phân công một số giáo viên và Ban chấp hành Đoàn trường túc trực ngay trên đoạn đường này để nhắc nhở nhưng rất ít bạn chấp hành đúng quy định”. Một em HS khác cũng bày tỏ “HS chúng em được giáo dục rất kỹ về việc chấp hành Luật An toàn giao thông. Thế nhưng, chúng em vẫn luôn gặp những hình ảnh không đẹp về người lớn vi phạm Luật Giao thông ngoài đường. Bản thân HS là những tờ giấy trắng và nhìn ra thế giới bên ngoài qua mọi hành vi, ứng xử của người lớn. Vậy phải làm sao để chúng em không bị ảnh hưởng từ những hành vi đó?”. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sở đã làm việc với UBND Q.Bình Tân để xây dựng dự án nhằm đảm bảo an toàn cho HS đi lại trên tuyến đường này. Ngoài ra, lực lượng dân quân tại 24 quận, huyện luôn túc trực gần các cổng trường để đảm bảo trật tự, đi lại cho phụ huynh và HS khi lưu thông trên đường phố. Ông cũng nhắc nhở HS về ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định do nhà trường, các ban ngành chức năng đề ra. “Bên cạnh những biện pháp tích cực của các cơ quan ban ngành chức năng, các em cũng cần đánh giá xem mình đã thực hiện đúng như những gì được dạy bảo hay chưa. Trong những sự việc diễn ra hằng ngày, liệu các em đã có ý thức chấp hành tốt để nêu gương cho người khác? Chẳng bao lâu nữa, các em cũng sẽ trở thành người lớn và liệu khi đó các em có lặp lại những hành vi không đẹp của người lớn như bây giờ? Thầy mong rằng, việc thay đổi nhận thức của xã hội sẽ được bắt đầu từ chính các em. Ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật, các em có thể góp ý, nhắc nhở những người xung quanh mình về những hành vi chưa đẹp mắt này”, ông Sơn nhấn mạnh.
“Mọi ý kiến đóng góp, xây dựng từ buổi đối thoại sẽ được ghi nhận và có phối hợp với các trường, UBND các quận, huyện để điều chỉnh kịp thời. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM rất trân trọng và đánh giá cao những nội dung mà các em HS đã đóng góp”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.n
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)