Phát biểu hôm qua 7-10 bên lề hội thảo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phòng bệnh học đường, ông Trần Đắc Phu (Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ học sinh mắc một số bệnh học đường như tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng… đang tăng mạnh.
![]() |
Tỷ lệ học sinh cận thị, viễn thị đang tăng – Ảnh: minh họa |
Theo đó, tỷ lệ học sinh tiểu học bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) tăng từ 3,1% năm 2000 lên 3,51% năm 2007; tỷ lệ tương ứng ở nhóm học sinh THCS là 7,35% năm 2000 và 11,57% năm 2007. Ở lứa tuổi THPT, năm 2000 có 10,96% học sinh bị tật khúc xạ, năm 2007 là 26,1%.
Tình trạng cong vẹo cột sống gia tăng và hiện đang chiếm tỷ lệ 22,2% học sinh THCS.
Về điều kiện học tập của học sinh, theo điều tra của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường năm 2002 tại Hải Phòng, Thái Nguyên và TP.HCM về quy hoạch, thiết kế xây dựng trường học, có 25-75% cơ sở không đạt yêu cầu về vị trí xây dựng trường lớp, diện tích trường, diện tích cây xanh; 70% số phòng học có tỷ lệ diện tích cửa sổ/diện tích lớp không đạt yêu cầu về chiếu sáng; 100% lớp học có bảng không đạt yêu cầu về kích thước; 92% học sinh ngồi học ở bàn ghế có kích thước không phù hợp. Đây là nguyên nhân dẫn đến 2 bệnh cận thị và cong vẹo cột sống.
Điều tra này cũng đánh giá gánh nặng học tập của học sinh khi 40,9% học sinh tiểu học ở đồng bằng có học thêm tại trường. Với học sinh THCS, tỷ lệ này là 83,3%. Trong khi học sinh có rất ít thời gian cho các hoạt động thể lực và vui chơi giải trí…
L.ANH (TTO)
Bình luận (0)