Sự kiện giáo dụcTin tức

Học sinh chết đuối và trách nhiệm của chúng ta

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần vào mạng gõ từ khóa “học sinh chết đuối”, trong vòng 0,24 giây sẽ có ngay 3.180.000 kết quả – một con số kinh hoàng! Chỉ trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này, đã có vô số những vụ chết đuối cướp đi sinh mạng hàng chục HS khiến cho cả gia đình, nhà trường và xã hội đau xót!
Trưa 5-5, sau khi kiểm tra học kì, bốn HS lớp 10 Trường THPT Lê Minh Xuân (TP.HCM) rủ nhau đi câu cá tại khu vực cầu Bà Tri kênh Liên Vùng (xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh). Sau đó hai HS Võ Công Lý, Nguyễn Trung Hiếu xuống kênh tắm và bị chết đuối vì nước sâu khoảng 6 mét, chảy xiết, lại cách xa nhà dân nên sự việc xảy ra không cứu vãn kịp!
Chỉ trong hai ngày 27 và 28-4, đã xảy ra liên tục 3 vụ, làm chết đuối 5 em HS gồm 1 HS lớp 4 Trường TH Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân, Phú Yên), 2 HS Trường THCS Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An), 2 HS lớp 7 Trường THCS ở Thanh Oai (Hà Nội)… Cả ba vụ này đều xảy ra hết sức thương tâm, tìm kiếm cứu nạn mấy giờ liền mới vớt được xác các em đem về an táng! Và còn biết bao nhiêu vụ chết đuối thương tâm khác mà càng nhắc đến mỗi chúng ta càng thấy xót xa, đau lòng! Nhiều em trong số ấy là HS chăm ngoan, học giỏi, được thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến. Mất mát ấy là quá to lớn!
Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm học, đầu hè là rộ lên chuyện thanh thiếu niên (phần lớn là HS) chết đuối do tắm sông suối, kênh rạch. Cá biệt, có gia đình mất đến mấy đứa con do cùng tắm, cùng chết! Ai cũng biết, mùa hè oi bức nóng nực nên dễ thôi thúc các em tìm đến nguồn nước kênh rạch sông suối tắm mát, trong khi nhiều em không biết bơi, hoặc còn quá nhỏ nên khả năng ứng phó và xử lí tình huống chưa có, dẫn đến những cái chết nêu trên! Vậy nên, giải pháp trước hết là cả gia đình và nhà trường cần quản lí chặt chẽ thời gian biểu và các sinh hoạt của mỗi em. Trong việc này, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Cần thấy rằng, tất cả các vụ việc đã nêu ở trên đều xảy ra ngoài giờ học, hoặc là giờ nghỉ không đến trường, hoặc cuối giờ học giờ thi, trên đường về… các em rủ nhau đi tắm và cùng chết đuối nên không thể đổ lỗi cho nhà trường trong việc quản lí HS. Cần thiết, cha mẹ nên đưa đón con em để tránh những tai nạn có thể xảy ra, nhất là đối với các em HS tiểu học, các em nhà ở cách xa trường, các em ở gần khu vực có sông suối kênh rạch.
Thứ hai, rất cần tăng cường việc giáo dục kĩ năng sống cho các em. Ở nhà, bố mẹ cần dặn dò các em thật kĩ lưỡng từ việc đi lại, vui chơi, sinh hoạt, tránh xa những nơi nguy hiểm ra sao cho đến nếu xảy ra sự cố gì thì phản ứng đầu tiên nên như thế nào. Nhà trường cần đảm bảo việc tích hợp giáo dục kĩ năng sống vào chương trình chính khóa các bộ môn theo đúng quy định của ngành giáo dục. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế của các chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt Đoàn – Đội trong nhà trường để giáo dục kĩ năng sống và tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Một khi kĩ năng sống được trang bị thì khả năng ứng phó và xử lí tình huống của các em tốt, sẽ giảm những tai nạn thương tích và các rủi ro khác đối với các em.
Thứ ba, rất cần thiết dạy bơi lội cho các em. Một số trường có điều kiện về cơ sở vật chất đã đưa môn bơi lội vào giảng dạy, điều này rất đáng mừng. Tại TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều trường không có hồ bơi nhưng khu vực gần trường có hồ bơi, có đội ngũ huấn luyện viên bơi lội đảm bảo tiêu chuẩn thì nhà trường chủ động kí kết hợp đồng và cho phụ huynh, HS tự nguyện đăng kí học bơi mỗi tuần từ một đến hai buổi. Điều này không chỉ trang bị kĩ năng bơi lội phòng tránh tai nạn đuối nước mà còn giúp các em vừa học vừa chơi, giảm căng thẳng sau những giờ học văn hóa trên lớp, các em HS rất thích thú. Bước đầu triển khai, mô hình này mang lại hiệu quả tốt, tạo sự đồng thuận của đa số phụ huynh và HS. Cần nhân rộng và triển khai đại trà để đông đảo HS có cơ hội tiếp cận việc học tập bơi lội càng sớm càng tốt! Tuy nhiên, nhà trường cần xem xét kĩ điều kiện của nơi kí hợp đồng và quản lí chặt chẽ việc đưa đón HS, giờ giấc học tập của các em…
Không có cha mẹ hay thầy cô, gia đình hay nhà trường nào không thương yêu, muốn con em hay học trò mình bị tai nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng các em. Do vậy, cả gia đình và nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc quản lí và giáo dục con em. Song, tai nạn chết đuối vẫn còn xảy ra và có chiều hướng ngày một tăng. Do vậy, rất cần việc tăng cường hơn nữa công tác quản lí và giáo dục kĩ năng cho các em.
Nhà giáo Thanh Liêm

Bình luận (0)