Thời nào cũng vậy, xã hội muốn tiến bộ cần phải có học vấn. Đời xưa quý trọng chuyện học. Đời nay càng quý trọng chuyện học! Có điều, sự học xưa và nay có khác – khác về mục đích.
Ngày xưa, kẻ sĩ đi học với mục đích chính là sửa mình, tu thân; thứ đến là công danh; sau rốt mới đến lợi lộc – tức vật chất. Thứ bậc xếp sẵn vậy rồi nên bậc trí giả không có lợi vẫn học; không có danh vẫn học – học để biết làm người.
Còn ngày nay, khi nền văn minh thực dụng đang trên đà thắng thế, những giá trị xưa xem ra có chiều mai một. Người ta cũng sốt vó lên vì chuyện học, nhưng phần nhiều, người ta đi học – thứ nhất vì lợi, thứ hai đến danh. Thế mới có chuyện nhiều người đổ xô nhau đi lấy bằng cấp… giả, càng cao càng tốt, để “trang điểm”, để phục vụ con đường tiến thân. Còn học sinh, các em đến trường học vì điểm số chớ không vì mục đích làm chủ kiến thức.
Tôi nói vậy vì một hôm lên trường – thời điểm giáo viên lên lớp sửa bài thi thử tốt nghiệp THPT, nhưng tôi và đồng nghiệp của mình đều bất lực than: Lên lớp sửa bài, học sinh chỉ nhao nhao hỏi điểm số chớ không chú ý nghe thầy sửa bài. (Đó là có nhiều bài thi các em nộp giấy trắng). Nếu giáo viên sửa bài thì y như độc thoại, thầy nói thầy nghe chứ trò thì không hào hứng. Điều các em quan tâm là điểm số, là môn toán, văn có đủ phết để trở thành học sinh giỏi không, có môn nào bị “khống chế” không, nếu có thì tranh thủ tới nhà thầy cô xin điểm với cái lí do: “Em mà không được giỏi, khá thì sẽ chết với ba mẹ!”. Thì ra học sinh quan tâm điểm số cũng bởi lí do ba mẹ quan tâm chuyện học tập của con bằng điểm số, thành tích.
Tôi lại cứ phải lên lớp nói cho các em hiểu cái mục đích cao đẹp của việc học. Nhưng rồi có em học sinh bắt bẻ tôi rằng: “Không có tiền để sống thì làm sao triết lí. Học là để kiếm điểm, mà có điểm sẽ có bằng cấp, có bằng cấp thì có tiền. Có tiền mới sống được, mà sống không có danh cũng hèn”. Đúng. Sự sống quý thật. Đã là người, tất có bản năng sinh tồn. Không riêng người, loài vật cũng thế. Nhưng người khác vật ở chỗ người có đạo đức, lương tri; và chính sự học chân chính sẽ tôn vinh cái đạo đức, lương tri ấy. Học đương nhiên có lợi, trước nhất là cho mình. Và nếu quan niệm học để kiếm tiền, kiếm công danh thì cũng đúng, và nếu có tiền, có công danh để có điều kiện đem tài năng, trí tuệ ra giúp đời, giúp người chứ không phải để thỏa mãn lòng tham quyền lực, địa vị… thì càng tốt, càng đáng nể, đáng trọng. Đó cũng là học để “làm người” vậy. Còn nếu mục đích của việc học chỉ đơn giản học để có điểm, có bằng cấp, có tiền thì sự học cũng chỉ đối phó với “lợi”, “danh” của bản thân thôi. Như thế thì còn đâu giá trị đích thực của sự học?
Trong cái vòng quay của lối sống thực dụng bây giờ, còn mấy ai đủ can đảm theo cái học vì đạo. Thế mới có chuyện đáng lo là, ba mẹ quan niệm một đứa con ngoan là học có điểm số cao, đoạt giải ở các kì thi, và kéo theo hệ lụy là học sinh đi học chỉ quan tâm đến điểm số.
Nguyễn Bích
Bình luận (0)