Sức hấp dẫn của game và mạng xã hội
Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng học sinh dành thời gian cho các trò chơi điện tử, lên mạng xã hội chiếm tỷ lệ lớn nhất (32%); 20% học sinh không tham gia trò chơi nào và 23% chọn các trò chơi dân gian trong thời gian rảnh rỗi.
Học sinh Trường THCS Đoàn Kết vui với trò chơi dân gian
Đáng chú ý, cũng theo thu nhận ý kiến học sinh từ khảo sát, học sinh sau khi tham gia các trò chơi điện tử cho biết có tâm trạng mệt mỏi, uể oải; tham gia mạng xã hội thì lơ mơ, tức giận; không tham gia hình thức chơi nào có tâm trạng chán nản.
Liên quan đến nội dung khảo sát, theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Mận, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, không ai phủ nhận những lợi ích to lớn không gì thay thế được của công nghệ. Trò chơi công nghệ hiện đại cũng phát triển như vũ bão, ngày càng tăng trong việc giữ vị trí độc tôn trong giới trẻ.
Tuy nhiên, những trò chơi hiện đại, chủ yếu học sinh THCS chơi là game, nhiều trò chơi đơn lập, thiếu tính tương tác trong một nhóm chơi, thường là chơi với đối tác ảo. Học sinh thường say quá mức, nhiều em “nghiện”, đầu óc lơ mơ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến trò chơi, khát khao chiến thẳng ảo. Giờ ra chơi, các bạn cũng tranh thủ chơi, thậm chí có bạn còn chơi vụng trong giờ học.
Đã có nhiều bạn bỏ học, trốn học để chơi. Mặt khác, nhiều trò chơi mang tính chất bạo lực, thiếu tính nhân văn, rất có hại đối với người chơi, nhất là lứa tuổi THCS đang ở giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách.
“Chúng ta, không thể thờ ơ trước những hành động, những vụ án đau lòng bắt nguồn từ việc nghiện game. Như vậy, những trò chơi hiện đại- game, không phù hợp với học sinh trong thời gian giải lao ngắn ngủi giữa các tiết học” – cô Mận cho biết.
Về mạng xã hội, cũng như game, hình thức này có một sức hút lớn đối với mọi người và học sinh THCS. Tuy nhiên, cô Mận chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, mạng xã hội khiến nhiều bạn trẻ bỏ bê việc học, học không tập trung. Thậm chí nhiều bạn kết nhóm chơi, công kích, nói xấu thầy cô bạn bè… Những học sinh tham gia mạng xã hội trong giờ ra chơi không có tâm lí tốt cho giờ học tiếp theo. Nhiều bạn cũng rơi vào tình trạng “nghiện”, chỉ nghĩ đến bạn bè trên mạng, những tin tức hình ảnh trên mạng, không để tâm vào bài học.
“Riêng những học sinh không tham gia hình thức chơi nào trong các giờ ra chơi thường sống cô lập, thu mình, ngại vận động, ngại giao tiếp với bạn bè xung quanh. Các bạn học tập như một cỗ máy lặng lẽ. Sau giờ học này lại đến giờ học khác, ngày này cũng như ngày khác. Nhiều bạn trong nhóm này không có hứng thú học tập sau giờ ra chơi” – cô Mận chia sẻ.
Biểu đồ tỷ lệ học sinh lựa chọn trò chơi trong khảo sát của cô Nguyễn Thị Mận |
Học sinh thấy thoải mái khi chơi trò chơi dân gian
Một điều thú vị trong khảo sát của cô Nguyễn Thị Mận là học sinh cho biết cảm thấy thooải mái sau khi tham gia trò chơi dân gian.
Lý giải điều này, cô Mận cho rằng, trò chơi dân gian có nhiều tính ưu việt, số người tham gia được đông hơn, không khí chơi rộn ràng, khi chơi những người xung quanh thương hò reo, cổ vũ, tạo ra tiếng cười vui vẻ.
Những trò chơi dân gian có tính tương tác rất lớn, nhiều năng lực kĩ năng được rèn luyện: Nhảy dây, Bịt mắt bắt dê; Mèo đuổi chuột; rồng rắn lên mây… Trong thời gian 10 hay 20 phút, học sinh có thể tổ chức chơi được rất nhiều trò chơi dân gian đơn giản.
Mặt khác những dụng cụ cho nhiều trò chơi rất đơn giản dễ kiếm, ít tốn kém, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người chơi cũng như môi trường xung quanh. Các bạn tham gia trò chơi dân gian giờ ra chơi có tâm lí thoải mái, hứng khởi, bớt căng thẳng mệt mỏi, tạo được tâm lí tốt cho những giờ học tiếp theo.
Mặc dù có nhiều ưu việt, nhưng những trò chơi dân gian vẫn ít “có mặt” trong các giờ ra chơi của học sinh.
Lý giải điều này, cô Nguyễn Thị Mận đưa lý do từ tác động của kinh tế thị trường, của công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật; từ chính sách; do gia đình dành ít thời gian cho con cái, nhất là thời gian chơi với các con. Các nhà trường chưa thấy được mức độ quan trọng của các trò chơi dân gian, việc tổ chức mới chỉ dừng lại ở tính hình thức… Nhiều học sinh không biết đến các trò chơi dân gian, không biết cách chơi và thiếu dụng cụ để chơi, chưa hiểu được ý nghĩa, tác dụng của các trò chơi dân gian…
Để góp phần làm sống lại trò chơi dân gian trong trường học, cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, trước hết cần có sự phối kết hợp giữa các nhà quản lí giáo dục và các nhà quản lí văn hóa dân gian. Cần quan tâm đến việc đưa các trò chơi dân gian bổ ích vào nhà trường phù hợp với từng cấp học.
Cha mẹ học sinh cũng cần dành thời gian quan tâm đến con em, không phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường; hướng dẫn và cùng chơi với con những trò chơi dân gian đơn giản. Ngoài ra, nhân tố quyết định vô cùng quan trọng chính là nhà trường và các thầy cô.
“Việc đưa trò chơi dân gian vào trường THCS có thành công hay không chủ yếu là do nhà trường, thầy cô trực tiếp làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh. Nhà trường cần phổ biến các trò chơi dân gian đến với học sinh” – cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ thêm.
Bình luận (0)