Học sinh đang thuyết trình về bức tranh trong chuyên đề Tình yêu thiên nhiên cuộc sống qua thơ mới |
Vừa qua, Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7) đã tổ chức chuyên đề “Tình yêu thiên nhiên cuộc sống qua ba bài thơ mới: Vội vàng, Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ”, do cô Nguyễn Tuệ Minh (giáo viên môn ngữ văn) và học sinh lớp 11A thực hiện. Mục đích nhằm trang bị cho học sinh cách nhìn toàn diện về phong trào thơ mới, những kiến thức về âm nhạc, hội họa, sân khấu; đồng thời trao tính chủ động, sáng tạo, hình thành những kỹ năng, niềm hứng thú, say mê với môn văn cho các em.
Để tăng tính truyền tải nhiều nội dung, chuyên đề được xây dựng theo mô tuýp Đường lên đỉnh Olympia, với các phần khởi động, tăng tốc và về đích thông qua những trò chơi giải ô chữ, ghép tranh, tìm hiểu về khái niệm thơ mới, tìm hiểu riêng từng tác phẩm. Trong đó, ấn tượng nhất là phần thuyết trình các tác phẩm qua những bức tranh do chính học sinh thực hiện và phần liên hệ cuộc sống với vở kịch “Bảo vệ môi trường”.
Cô Minh cho biết chuyên đề được cô và học sinh lớp 11A bắt tay vào thực hiện từ trước Tết Nguyên đán 2 tuần, toàn thể lớp 11A được chia làm 3 tổ, mỗi tổ phụ trách một tác phẩm. Theo đó, chuyên đề ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực tích cực của học sinh, tạo không khí vui tươi, niềm yêu thích say mê với môn học còn mang đến cho học sinh những trải nghiệm về khả năng của bản thân. “Các em được hoàn toàn trao tính chủ động trong chuyên đề. Tôi chỉ ở bên cạnh chứ không là trung tâm. Các em tự vẽ tranh, tự thuyết trình, tự xây dựng kịch bản vở kịch. Điều này giúp phát huy tối đa khả năng của các em và kiến thức cũng vì thế mà ngấm hơn”, cô Minh chia sẻ.
Cô Ngô Thị Nhàn (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Q.7) cho biết dù có sự sáng tạo mới mẻ và linh hoạt như ngâm thơ, vẽ tranh về tác phẩm nhưng trên hết, nội dung của các tác phẩm xây dựng trong chuyên đề vẫn được truyền tải đầy đủ đến học sinh. Đặc biệt, theo cô Nhàn, cách chọn lựa các tác phẩm trong chuyên đề có sự logic, rất hợp lý. Giúp học sinh tổng hợp kiến thức một cách toàn diện.
Cũng theo hướng trao tính chủ động, tích cực, lan tỏa tình yêu văn học dân gian đến học sinh, trước đó, Trường THPT Nam Sài Gòn đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa với chủ đề “Tìm hiểu các loại hình nghệ thuật dân ca, cải lương, chèo” do tổ văn thực hiện với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong các lĩnh vực. Thông qua những tích diễn và chia sẻ “tâm huyết” của nhiều nghệ sĩ đã giúp học sinh trong trường có những kiến thức cơ bản về dân ca, cải lương, chèo. Theo thầy Triệu Minh Mẫn (Tổ trưởng Tổ văn), văn học dân gian là một phần hồn cốt của dân tộc, nhưng ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ hờ hững với loại hình văn học này. “Bằng hình thức sân khấu hóa, các tiết mục không chỉ thể hiện riêng biệt từng loại hình nghệ thuật mà còn gắn liền với bài học của học sinh như Lục Vân Tiên (lớp 9) hay văn học dân gian, ca dao dân ca (lớp 10) đã kéo các em đến gần hơn với văn học dân gian”, thầy Mẫn nhấn mạnh.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)