Học sinh – sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tìm hiểu về DN trong một buổi giới thiệu việc làm do nhà trường tổ chức |
TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Với 54 trường ĐH, 25 trường CĐ chuyên nghiệp, 11 trường CĐ nghề, 32 trường TCCN, 23 trường TC nghề và hơn 370 cơ sở đào tạo dạy nghề nên mỗi năm cung ứng khoảng 55 ngàn lao động.
Tuy nhiên, giữa mục tiêu đào tạo của các trường và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp (DN) hiện vẫn còn nhiều khoảng cách; vì thế mỗi năm có không ít sinh viên ra trường thất nghiệp.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, tại TP.HCM, mỗi năm có khoảng 80% sinh viên – học viên tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số tìm được việc chỉ có 50% lao động có việc làm phù hợp với năng lực, sở thích. Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm – cho rằng: “Vấn đề nghịch lý của TP.HCM là đang rất thừa lao động ở một số ngành nghề không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển. Một trong những lý do dẫn đến vấn đề này là phần lớn sinh viên – học viên chưa được định hướng đúng về nghề nghiệp, việc làm, chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực, sở trường và xu thế phát triển của thị trường lao động. Mặt khác, DN quan tâm tuyển chọn những lao động có kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa DN và tác phong làm việc… nhưng sinh viên – học viên chưa đáp ứng các yêu cầu này”.
Theo nhiều cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, có khá nhiều học sinh thiếu hiểu biết về ngành nghề mình chọn để thi ĐH nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và việc làm của các em sau này. Cụ thể, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ 5% có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề chọn học.
Trong ba năm gần đây, Phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã tiến hành khảo sát các thí sinh dự thi ĐH ở trường (năm 2011 khảo sát hơn 12 ngàn thí sinh, năm 2012 khảo sát trên 15 ngàn và năm 2013 khảo sát trên 18 ngàn), kết quả như sau: Số thí sinh cho rằng đã tìm hiểu kỹ ngành nghề năm 2011 là 75%, năm 2012 là 70,8%, năm 2013 là 69,99%; số thí sinh cho rằng chỉ cần đậu ĐH: Năm 2011 là 18,7%, năm 2012 là 19,97% và năm 2013 là 19,13%; số thí sinh khẳng định theo sự định hướng của cha mẹ: Năm 2011 là 5,8%, năm 2012 là 7,1% và năm 2013 là 6,05%; các lý do khác chiếm khoảng 4 đến 5% mỗi năm. ThS. Nguyễn Anh Đức (Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho hay: “Qua kết quả khảo sát hướng nghiệp bên lề tuyển sinh cho thấy mỗi năm có khoảng 20% thí sinh dự thi vào trường chưa quan tâm đến ngành nghề mình chọn – điều này cho thấy các em thiếu định hướng về nghề nghiệp khi còn học phổ thông”.
Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường phổ thông, cơ sở dạy nghề, TCCN, CĐ và ĐH là điều không thể thiếu trong việc hướng nghiệp cho học sinh – sinh viên để tạo việc làm thuận lợi ngay sau khi các em ra trường. ThS. Lưu Quốc Khánh (Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Một trong những giải pháp góp phần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh là nâng cao năng lực đào tạo các trường nghề và TCCN. Trong đó, cần tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và DN trong việc xây dựng chương trình, gửi học sinh thực hành, thực tập và giới thiệu việc làm sau khi các em tốt nghiệp”.
Nhằm đóng góp trực tiếp vào việc tổ chức và nâng cao hoạt động hướng nghiệp, được sự cho phép của Sở GD-ĐT TP.HCM, thời gian qua Công ty cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Thông tin hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và sinh viên – học viên khối trường nghề trên địa bàn TP. Ông Ngô Doãn Chính, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia, kỹ sư trong các ngành nghề của DN để xây dựng hệ thống thông tin hướng nghiệp bao gồm tư liệu, tài liệu hướng dẫn, hình ảnh minh họa và những đoạn phim phóng sự ghi hình về các quy trình, công đoạn sản xuất… nhằm xây dựng các chương trình hướng nghiệp thực tế giúp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh – sinh viên”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)