Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh chưa ngoan – Ai chịu trách nhiệm?

Tạp Chí Giáo Dục

Để trả lời câu hỏi này, tôi thấy không đơn giản chút nào. Bởi vì, mỗi con người đều có nhiều mối quan hệ, chịu bao nhiêu ảnh hưởng và sự tác động của môi trường xung quanh.
Theo tôi, trước hết phải thường xuyên quan tâm xem các em học sinh (HS) bộc lộ những khuyết điểm gì để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai phạm. Từ đó, mới có hướng giáo dục đúng, mới có thể tách bạch ra được thiếu sót mặt này hay mặt khác, thuộc trách nhiệm về ai… Thật ra khó có thể kết luận một cách phân minh được. Vì HS cũng là một “con người” có biết bao mối quan hệ.
Vì vậy, nếu ai đó quan niệm theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm” – tất cả khuyết điểm của HS là do giáo viên chủ nhiệm thì e rằng kết luận đó hơi vội vã, thiếu chính xác và chưa thật công bằng. Tuy nhiên, quan niệm như vậy cũng có ý tưởng tốt, thiện chí của người đánh giá. Đó cũng là một cách đề cao vai trò, trọng trách của giáo viên chủ nhiệm.
Tôi cũng xin có ý kiến về quan điểm dạy bộ môn của một giáo viên: “Chúng tôi dạy kiến thức, đâu có thời gian để dạy đạo đức”. Ở đây tôi chưa dám đề cập Luật Giáo dục. Tôi chỉ xin nói đến những yêu cầu sư phạm từ trước tới nay. Một bài giảng bao giờ cũng phải đề ra hai yêu cầu: Yêu cầu giáo dưỡng và yêu cầu giáo dục. Yêu cầu giáo dưỡng là yêu cầu giảng dạy kiến thức phải chính xác, phải có trọng tâm, khắc sâu được kiến thức, HS có thể vận dụng được lý thuyết để thực hành trong cuộc sống. Yêu cầu thứ 2 là giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức cho HS từ nội dung bài dạy. Nói từ “đạo đức” nghe có vẻ “đao to búa lớn”, bao hàm một phạm trù quá rộng. Thực ra, ta nên hiểu một cách đơn giản là đạo đức nằm ngay trong kiến thức bộ môn. Khi giảng dạy, giáo viên phải quan tâm khai thác, liên hệ với thực tế mà giáo dục. Ví dụ: Một tiết thể dục, dạy bài về các động tác thể dục buổi sáng chẳng hạn. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên hướng dẫn chỉnh sửa tư thế, uốn nắn cho các em tập đúng động tác, xếp hàng ngay ngắn, nghiêm chỉnh, đứng trong hàng ngũ không được nói chuyện, phải răm rắp nghe và làm theo lời thầy. Thế là dạy đạo đức. Hay dạy một tiết sinh học cũng vậy. Dạy một bài về cây trồng, giáo viên có thể liên hệ với thực tế, nói lên lợi ích, tác dụng của cây xanh… vừa có bóng mát, vừa làm đẹp mắt. Cây xanh còn là “lá phổi” tự nhiên, có tác dụng điều hòa không khí, giúp cho sự hô hấp tốt của con người. Từ đó, giáo dục ý thức trồng và bảo vệ cây trồng, không phá phách cây xanh nơi công cộng, không giẫm đạp lên cây cỏ ở công viên… Như thế là giáo dục tư tưởng đạo đức. Đâu có gì là cao xa.
Khi giáo viên bộ môn nói là “Tôi chỉ dạy kiến thức thôi…”, thực ra họ đã tiến hành giáo dục đạo đức thông qua bài giảng các bộ môn rất nhiều mà không để ý.
Tôi đưa ra một vài thí dụ trên để cụ thể hóa cho việc giáo dục đạo đức thông qua dạy bộ môn. Tùy theo bài, tùy theo thời gian mà giáo viên liên hệ giáo dục cho sát hợp, cho đúng mức.n
Tôn Tuyết Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)