Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh chưa tự tin nói tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc dạy học tiếng Anh nên không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vẫn không thể sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp. Mặc dù đây là bộ môn giảng dạy trong chương trình chính khóa và xuyên suốt các bậc học.

Thiếu môi trường rèn luyện giao tiếp là nguyên nhân khiến HS không thể sử dụng được tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT (trong ảnh là HS đang giao tiếp với giáo viên tại một cuộc thi tiếng Anh)

Vấn đề này được nhấn mạnh tại hội thảo “Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh của học sinh các cấp học phổ thông các tỉnh/thành phố miền Nam” vừa tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thiếu môi trường giao tiếp

 “Hiện tại Đề án ngoại ngữ 2020 đang khẩn trương hình thành 6 trung tâm học liệu ở các trường ĐH lớn. Đây là nơi sẽ cung cấp những nguồn ngữ liệu về ngoại ngữ, tương ứng việc dạy học, đáp ứng sự cần thiết trong đổi mới”, PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư cho biết.

Qua khảo sát việc dạy học tiếng Anh tại hai trường Trung học Thực hành Sài Gòn, Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM của ThS. Trần Quang Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và một số giáo viên khác, hầu hết học sinh (HS) cho rằng không thể tự tin giao tiếp tiếng Anh trước đám đông. Nguyên nhân là do giáo viên sử dụng tiếng Việt trong dạy học còn nhiều, đa số giáo viên vẫn sử dụng phấn trắng bảng đen vì e ngại ứng dụng CNTT vào đổi mới, các sách ngoại văn, sách tham khảo còn ít… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do môi trường rèn kỹ năng giao tiếp hạn hẹp, chương trình vẫn chú trọng học đọc hiểu, ngữ pháp.

“Có đến 73,4% HS chia sẻ cần củng cố kỹ năng nói; 8% đánh giá kỹ năng nghe cần được cải tiến; 7,6% cho rằng cần cải thiện kỹ năng phát âm. Bản thân 100% giáo viên cũng đánh giá HS rất yếu kỹ năng nói, 80% cho rằng cần phải cải thiện kỹ năng phát âm và 60% cho rằng cần phải cải thiện nghe, viết”, ThS. Nam cho biết.

Theo ThS. Nam, các trường phải chú trọng xây dựng môi trường học tiếng Anh cộng đồng để HS có điều kiện sử dụng tiếng Anh giao tiếp, rèn các kỹ năng nghe, nói. Đây là việc làm hết sức cần thiết và nên làm ngay. Bản thân giáo viên cũng nên tiếp cận giáo trình mới, đổi mới phương pháp giảng dạy để tăng sự hứng thú trong học tập cho HS.

Cũng liên quan đến thực trạng này, thầy Vương Văn Cho (Trường THCS – THPT Đào Duy Anh) chia sẻ, thời lượng giảng dạy tiếng Anh hiện tại chỉ có 3 tiết/tuần ở bậc THCS và 4 tiết/tuần ở bậc THPT thì không tài nào giáo viên tạo ra được môi trường sử dụng tiếng Anh cho HS. Một tiết học chỉ có 45 phút, đầu giờ, cuối giờ giáo viên ra bài tập, giao bài tập, rồi dạy đọc hiểu ngữ pháp thì còn đâu thời gian dạy hai kỹ năng nghe, nói.

“Nên dành thêm thời gian cho tiếng Anh, để các em được nói, được rèn kỹ năng phản xạ, “sản sinh” ra ngôn ngữ. Chúng ta nên bắt tay vào làm ngay, làm rốt ráo, làm triệt để mới khắc phục được những hạn chế tồn đọng, đặc biệt chú trọng thay đổi từ cấp học nhỏ nhất để các em có được nền tảng vững chắc”, thầy Cho kiến nghị.

Cách kiểm tra đánh giá chưa phù hợp

Theo yêu cầu của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (Bộ GD-ĐT ban hành), sau khi học xong từng cấp, người học phải đạt được những năng lực nhất định và phải đáp ứng yêu cầu 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng bên cạnh những bất cập trên, một bất cập đang diễn ra không thể không kể đến đó là cách ra đề kiểm tra đánh giá. Nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động kiểm tra 15  phút, 1 tiết hay cuối kỳ đều tập trung vào đọc hiểu và ngữ pháp mà không có nghe, nói. Thậm chí đến cuối lớp 12, bài kiểm tra vẫn không thay đổi. Cách ra đề thi kiểu này khiến người dạy và người học phải chú trọng vào đây để đáp ứng yêu cầu.

Đổi mới hệ thống kiểm tra đánh giá

Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Đình Thanh Lâm (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Bản thân HS khi tốt nghiệp THPT không nói được tiếng Anh đã là đáng buồn mà còn không biết năng lực mình đang ở đâu khi chưa được đánh giá toàn diện 4 kỹ năng. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải đổi mới hệ thống kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với các mục tiêu mà Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đề ra. Gần nhất là phải có bài kiểm tra nghe, nói xuyên suốt trong năm học và kết thúc năm. 

TS. Trần Thị Minh Phượng (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) cho rằng, tâm lý thi gì dạy nấy, thi gì học nấy như hiện nay đã vô tình đánh mất kỹ năng giao tiếp cho HS, bởi người học luôn phải đối phó với các kỳ thi, các bài kiểm tra chỉ nhằm mục đích thi đậu là được…

Trước những vấn đề nêu trên, PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư, Trưởng ban Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, thừa nhận rằng trong quá trình đổi mới, yêu cầu kiểm tra đánh giá đầy đủ 4 kỹ năng là phải có. Nhưng ngay kỳ khi THPT vừa rồi, ngành giáo dục mới đánh giá được 2 kỹ năng, còn thiếu 2 kỹ năng. Nguyên nhân vì chúng ta chưa có đủ đội ngũ; chưa có những bộ đề thi ở các trung tâm khảo thí một cách chính thống để đánh giá toàn diện 4 kỹ năng. “Đây mới chỉ là vấn đề chúng ta hướng đến trong tương lai, chúng ta cần có sự hoàn thiện dần dần”, PGS.TS Thư cho biết.

Riêng đối với thời lượng giảng dạy, theo PGS.TS Thư, không thể thay đổi vì đặc thù ở THCS, THPT chỉ dạy 1 buổi/ngày khiến cho số tiết/năm không nhiều. Nếu tăng thời lượng thì vô tình tăng nặng công việc dạy – học cho giáo viên và HS chứ không phải là giảm tải chương trình theo chủ trương hiện nay. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ GD-ĐT luôn hướng đến một chương trình mở. Tức không ép buộc các trường cứng nhắc phải dạy 3-4 tiết/tuần. Nếu trường nào tổ chức được 2 buổi/ngày thì nên tổ chức, hoặc nên điều chỉnh tăng số tiết/tuần cho phù hợp. Nội dung giáo trình giảng dạy, Bộ GD-ĐT cũng cho phép lựa chọn làm sao đảm bảo chương trình, nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các trường xây dựng môi trường tiếng Anh cộng đồng, các sân chơi giao lưu… chứ không nên ngồi chờ đợi, để HS sớm được nói, được giao tiếp. Cách làm có thể bằng con đường xã hội hóa vì không phải trường nào cũng có sẵn điều kiện kinh phí.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

 

Bình luận (0)