Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh có cơ hội tiếp cận nhiều ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đưa tiếng Nhật, Pháp, Đức… vào giảng dạy bên cạnh tiếng Anh luôn được Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương thực hiện dưới hình thức tự chọn, nhằm tạo sự đa dạng ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu người học.

Một tiết học tiếng Nhật của học sinh lớp 9 do cô Lê Châu Quý (giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) giảng dạy. Ảnh: N.Trinh

Tại TP.HCM, công việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay tại một số quận như: Q.1, Q.3, Q.4, Q.6, Q.9. Gần đây nhất có thêm một trường tiểu học thí điểm tiếng Nhật, 4 trường thí điểm tiếng Hàn.

Đăng ký học vì đam mê

Tại TP.HCM, một trong những trường tiêu biểu trong việc thực hiện giảng dạy tiếng Nhật, Đức, Pháp được đánh giá cao bởi chất lượng đầu ra là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Một phó hiệu trưởng trường này từng chia sẻ, hầu hết học sinh trong trường đăng ký học là vì đam mê, vì muốn biết thêm ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. So với tiếng Anh, học tiếng Nhật, Đức, Pháp có phần khó hơn nhưng nhiều em vẫn chọn học bằng sự đam mê, nỗ lực.

Có thể nói việc giảng dạy các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh mới chỉ dừng lại ở môn tự chọn; để học sinh học xong có thể tự tin giao tiếp cũng như nhân rộng thêm số trường, số lớp thì ngành giáo dục phải có lộ trình, kế hoạch về chương trình, nhân lực, cơ sở vật chất… Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đang xây dựng lộ trình thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 cho năm học 2017-2018 thì công tác này càng chú trọng hơn nữa.

Thầy Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) cho biết: “Xác định đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, nhiều học sinh đã đăng ký học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Không chỉ dừng lại ở mục đích biết thêm một ngoại ngữ mà sau này, công việc của các em có phần thuận tiện hơn khi các em đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng đòi hỏi đội ngũ lao động chất lượng cao, năng động”.

Trường THCS Võ Trường Toản hiện đang giảng dạy tiếng Nhật, Đức là ngoại ngữ thứ nhất với thời lượng 4 tiết/tuần. Còn tiếng Anh là ngoại ngữ 2. Mỗi khối tổ chức được 1 lớp cho 1 ngoại ngữ. Lớp tiếng Nhật có gần 45 học sinh, tiếng Đức có khoảng 30 học sinh. Các em được học với giáo viên Việt Nam và bản xứ. Việc đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tương tự môn tiếng Anh. Theo thầy Khoa, do tiếng Đức mới đưa vào giảng dạy nên kết quả chưa đánh giá được. Còn tiếng Nhật, các em rất tự tin trong giao tiếp và nói rất giỏi.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, năm học này mới bắt đầu thí điểm tiếng Hàn nhưng đã thu hút 270 học sinh theo học (6 lớp). Thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết trước khi tổ chức thí điểm, nhà trường đã thông tin rõ về môn học để phụ huynh và học sinh nắm bắt trước rồi đăng ký, tránh tình trạng đăng ký theo phong trào, học cho vui. Nhưng không ngờ được đông đảo phụ huynh, học sinh ủng hộ. Trước mắt, mỗi tuần các em được học 2 tiết với giáo viên người Việt Nam.

Không tuyển được giáo viên do thu nhập thấp

Trong khi việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường hiện nay còn gặp không ít khó khăn về chất lượng đội ngũ giáo viên, thời lượng giảng dạy, sĩ số đông… thì ở những môn ngoại ngữ trên cũng có khó khăn tương tự.

Cụ thể, tại Trường THCS Võ Trường Toản lâu nay chỉ có 1 giáo viên Việt Nam giảng dạy cho 4 khối. Còn với giáo viên bản xứ, trường có may mắn hơn vì nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản. Nhiều năm liền trường muốn tuyển thêm cả hai đối tượng giáo viên này nhưng không tuyển được. Một phần do thu nhập thấp giáo viên không dạy, một phần do giáo viên không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Theo thầy Cao Đức Khoa, đây là khó khăn chung của nhiều trường. Ngay cả giáo viên Việt Nam đang giảng dạy ở trường cũng phải hợp đồng dạy hỗ trợ cho một số trường khác. Khó khăn khiến số lớp bị giảm một nửa so với trước kia. Các em bắt buộc phải học với sĩ số đông hơn so với quy định.

Khai giảng lớp học tiếng Nhật tại các trường tiểu học ở Việt Nam

Vừa qua, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), lễ khai giảng lớp học tiếng Nhật tại các trường tiểu học ở Việt Nam đã diễn ra với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Ngay sau buổi lễ, tiết học tiếng Nhật đầu tiên cũng được diễn ra trước sự chờ đợi của các em học sinh. Theo đó, các em không mất quá nhiều thời gian để làm quen với ngôn ngữ mới bởi văn hóa Nhật Bản vốn đã rất quen thuộc với các em thông qua các bộ phim hoạt hình hay các tập truyện tranh như Doreamon, 7 viên ngọc rồng…

Được biết, có 4 trường tiểu học ở Hà Nội (Nguyễn Du, Q.Hoàn Kiếm; Khương Thượng, Q.Đống Đa; Chu Văn An, Q.Tây Hồ; Tiểu học quốc tế Gateway) và 1 trường ở TP.HCM (Tiểu học-THCS-THPT Việt Úc) đưa tiếng Nhật vào giảng dạy thí điểm từ năm học 2016-2017, sau đó dự kiến lần lượt sẽ được nhân rộng ra trên cả nước.

TTX

Tại Q.3, các trường: Tiểu học Lương Định Của, THCS Lê Quý Đôn, THCS Collete cũng được đánh giá cao về kết quả giảng dạy tiếng Pháp, Nhật, Đức. Nhưng hiện tại Phòng GD-ĐT Q.3 chưa xác định nhân rộng về số trường, số lớp. Cô Lê Thị Ngọc Chi (Chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.3) cho biết phải đợi kết quả cụ thể như thế nào mới mở rộng. Hiện Q.3 đang tập trung giảng dạy tiếng Anh cho thật tốt.

Trong khi đó, ở các trường mới bắt đầu thí điểm tiếng Hàn, biên chế giáo viên Việt Nam, nội dung hướng dẫn cách tính điểm, cộng điểm vẫn chưa có. Còn giáo viên bản xứ, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc nhưng hiện tại một số trường cũng chưa có giáo viên. Bước đầu, mỗi tuần học sinh chỉ được học 2 tiết với giáo viên Việt Nam.

Nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, thầy Nguyễn Hùng Khương mong muốn có biên chế giáo viên Việt Nam để nhà trường thuận tiện trong quản lý, phân công, tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Đồng thời ngành giáo dục cần hỗ trợ các trường trong việc tạo mối liên kết quốc tế để có sự trao đổi, hỗ trợ về chương trình, nguồn lực cũng như giao lưu văn hóa. Một điểm nữa mà thầy Khương mong muốn là Bộ GD-ĐT cần giảm tải chương trình giáo dục hiện nay, qua đó học sinh sẽ có thêm thời gian cho việc học ngoại ngữ.

Trinh Ngọc

Bình luận (0)