Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh có nên mang điện thoại vào trường?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi được hỏi câu trên, có hai luồng ý kiến khác nhau về việc này. Luồng ý kiến thứ nhất, gồm một số cán bộ quản lý, giáo viên THCS và THPT yêu cầu cần có quy định chặt chẽ để cấm học sinh (HS) mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào trường. Thầy cô cho rằng, các em tuổi còn nhỏ, chưa có ý thức tự giác cao, nếu mang ĐTDĐ vào trường sẽ gây nhiều phiền phức như: chơi game, nghe nhạc và “chat chít” với bạn bè trong giờ học. Thực tế cho thấy HS rất ghiền lướt web và thích vào facebook. Việc này chẳng những tốn rất nhiều thời gian mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung học tập. Cần phải cấm triệt để vì ĐTDĐ còn là phương tiện để HS quay cóp tinh vi, hiện đại nhất. Thầy cô cũng khá vất vả trong việc kiểm tra và xử lý các em xem phim, chơi game… trong giờ nghỉ trưa bán trú. Còn các thầy giám thị thì nêu lên nhiều điều rắc rối, phức tạp xảy đến từ chiếc ĐTDĐ. Chẳng hạn như lâu lâu xảy ra tình trạng mất cắp, gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các HS trong lớp, gây lãng phí tiền bạc, mất thì giờ điều tra, tìm kiếm, xử lý. Các em còn dùng ĐTDĐ để kêu bạn bè bên ngoài tiếp ứng khi có đánh nhau. Tác hại hơn nữa là một số HS nghịch ngợm đã dùng ĐTDĐ để quay lén cảnh bạn bè đánh nhau, cảnh sinh hoạt không lành mạnh hoặc cả những hành động không được đẹp của thầy cô giáo rồi tung lên mạng để “câu like”. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và hình ảnh của trường.

Luồng ý kiến thứ hai (đa phần là phụ huynh, HS, trong đó có một số giáo viên trẻ) đồng tình ủng hộ cho HS mang theo ĐTDĐ. Những người này cho rằng thời buổi văn minh,  ĐTDĐ là phương tiện thông tin phổ biến, nên cho các em mang theo để tiện liên lạc với phụ huynh trong ngày. Trường hợp HS bị bệnh đột xuất, bỏ quên đồ đạc ở nhà hay gặp chuyện không may thì gọi điện trực tiếp cho cha mẹ là nhanh nhất. Mặt khác, phụ huynh có việc cần báo gấp cho con em, hoặc vì bận việc mà đón con em trễ thì gọi ĐTDĐ là hữu hiệu và tiện lợi. Những ý kiến ủng hộ đã phê phán gay gắt việc cấm đoán HS mang theo ĐTDĐ. Họ cho rằng đây là sản phẩm của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật tại sao không tận dụng để hỗ trợ việc học tập của HS mà lại đi cấm đoán. HS nhiều nước trên thế giới, từ lâu đã được mang theo laptop, ipad, macbook đến trường.

Các em còn kể thêm nhiều nhu cầu sử dụng ĐTDĐ để phục vụ cho việc học như: chụp lại thông tin thầy cô ghi trên bảng, ghi âm lời giảng của thầy cô, quay phim thí nghiệm, thực hành, hoạt động ngoại khóa… Nếu nhà trường cấm thì làm sao các em có thể thực hiện những thao tác có ích như trên.

Theo quan điểm của người viết, nhà trường không nên cấm đoán mà cùng phụ huynh bàn bạc hướng dẫn HS sử dụng ĐTDĐ như thế nào cho hợp lý và quản lý việc sử dụng ra sao để tránh ảnh hưởng nề nếp học tập. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Ban giám hiệu một số trường đã đề ra quy định như sau: HS được mang theo ĐTDĐ khi đến trường nhưng chỉ được sử dụng ngoài giờ học. Nếu sử dụng trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên. Nếu HS sử dụng trong giờ học ngoài mục đích học tập thì thầy cô hoặc giám thị có quyền tạm giữ trong ngày. Khi làm bài kiểm tra hoặc  làm bài thi, thầy cô yêu cầu HS phải nộp điện thoại, ipad lên trên bàn giáo viên để tránh quay cóp… Nhà trường còn quy định rõ với phụ huynh: không nên gọi điện cho con em trong giờ học. Khi ở nhà phụ huynh cần kiểm soát, hạn chế cho con em sử dụng ĐTDĐ trong thời gian dài, nhất là để chơi game và vào facebook. Ban giám hiệu và giáo viên sinh hoạt kỹ quy định sử dụng ĐTDĐ cho HS, hướng dẫn các em sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả và luôn nhắc nhỡ cách phòng tránh những tác hại, tiêu cực từ ĐTDĐ.

Tóm lại, cùng với sự phát triển của nhân loại, ĐTDĐ đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống. Giáo dục ý thức và hướng dẫn HS sử dụng ĐTDĐ hợp lý để mở mang kiến thức và nâng cao hiệu quả học tập là điều cần nên làm.

Trần Thị Minh Thi

Bình luận (0)