- 1 Học sinh có thể chuyển đổi giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên
Dự kiến tất cả học sinh được hướng dẫn lộ trình học tập; có thể chuyển đổi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật.

Ngày 15-5, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục để lấy ý kiến đóng góp.
Tạo điều kiện để học sinh lựa chọn lộ trình học tập, nghề nghiệp phù hợp
Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 và triển khai Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
Nghị định được ban hành với mục tiêu kép, vừa tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc cho công tác hướng nghiệp và phân luồng vừa giải quyết những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy việc lựa chọn nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Đồng thời, thể hiện sự toàn diện và tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Dự thảo nghị định hướng đến việc xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, khả thi; quy định chi tiết về nguyên tắc, nội dung, biện pháp và điều kiện đảm bảo thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Điều này giúp nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, phân luồng; tạo điều kiện để học sinh lựa chọn lộ trình học tập và nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng.
Dự thảo nghị định quy định nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phải bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu nhân lực của quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn.

Bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh. Tất cả học sinh được hướng dẫn lộ trình học tập, có thể chuyển đổi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật và được tạo điều kiện học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, liên tục. Các hoạt động hướng nghiệp cần đa dạng hóa hình thức trải nghiệm thực tiễn và tích hợp vào chương trình giáo dục, đào tạo; công tác hướng nghiệp, phân luồng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng và liên thông giữa các luồng giáo dục – đào tạo.
Giảm thiểu tình trạng chọn sai ngành, học trái nghề
Về biện pháp hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, dự thảo nghị định cũng quy định, tổ chức liên kết giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học nghề hoặc trường trung học kỹ thuật để học sinh được học văn hóa kết hợp với học nghề.
Đồng thời, tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh làm cơ sở cho việc định hướng phân luồng hiệu quả.
Theo bộ, chính sách mới về hướng nghiệp và phân luồng được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực cho giáo dục cũng như thị trường lao động. Chính sách này sẽ giúp học sinh định hướng nghề nghiệp từ sớm, đưa ra những lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân, từ đó giảm thiểu tình trạng chọn sai ngành, học trái nghề.
Với các quy định cụ thể, khi được thông qua, dự thảo Nghị định sẽ giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn; góp phần giảm áp lực cho các trường ĐH, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của xã hội.
Về lâu dài, chính sách này sẽ gắn kết chặt chẽ giáo dục và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối cung – cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Mê Tâm
Bình luận (0)