Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh cũng cần chuẩn bị tâm thế…

Tạp Chí Giáo Dục

Cô trò trong mt gi hc ti TP.HCM

Sắp tới, chương trình giáo dục mới sẽ là thử thách thực sự cho cả thầy lẫn trò. Đối với vai trò, vị trí của người thầy; đã có rất nhiều ý kiến đề xuất, bàn bạc, xem xét, định hướng… nhằm hoàn thiện quy chuẩn.

Đối với học sinh (HS), cũng cần chuẩn bị tâm thế mọi mặt để tiếp nhận, để học tốt, có hiệu quả khi tiếp xúc với chương trình giáo dục mới cùng với những thay đổi lớn về nội dung và phương pháp…

Thứ nhất: Việc học của HS sẽ có nhiều thay đổi về phương pháp. Đó là sự chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp nhận kiến thức của người học. HS phải thực sự năng động, linh hoạt chứ không thụ động, ngồi một chỗ chờ GV mang kiến thức tới. Nói một cách hình ảnh là HS phải tham gia vào việc “chế biến món ăn kiến thức”; lựa chọn, tìm những kiến thức cần thiết, hữu dụng để tiếp nhận dưới sự định hướng, điều chỉnh của GV khi hướng dẫn.

Thứ hai: Nếu trước đây (dù đã có chuyển biến) thì trong tiết học, GV truyền thụ một chiều; HS ngồi nghe và ghi chép, còn gọi là “đọc chép” hoặc “chiếu chép” (chiếu bài lên màn hình cho HS chép lại, thay vì ghi bảng như trước đây). Cứ thế, mỗi lời của GV đều là “khuôn vàng thước ngọc”; hôm sau trả bài, kiểm tra thì cứ “sao y bổn chánh”, học thuộc lòng là yên tâm điểm cao!

Nhưng với chương trình mới, HS phải biết “tiêu hóa” kiến thức, biến kiến thức của GV truyền thụ thành kiến thức của mình, thành cách hiểu của mình. Cụ thể như nhân vật Chí Phèo (Nam Cao), bên cạnh mặt đáng thương cũng còn mặt đáng trách. Đó là nhân vật không tự mình vươn lên mà chỉ có sự buông trôi cho số phận, mặc kệ đời… HS cần có vốn lý lẽ, vốn kiến thức để tham gia xây dựng bài học; phản biện đối với những kiến thức mới, góp phần làm cho không khí tranh luận trong giờ học luôn sôi nổi, hào hứng…

Thứ ba: Đã đến thời kỳ học thật và thi thật, khác xa về quan niệm học trước đây. Nhà trường cần có kế hoạch hoạt động trải nghiệm hiệu quả, thiết thực; tạo sân chơi lành mạnh cho các em tự thể hiện mình. Các hình thức thảo luận nhóm sẽ đi vào thực chất, không thể cả nhóm “giao việc” cho một vài bạn khá, giỏi phát biểu mà mỗi thành viên trong nhóm đều nói được, diễn đạt được vấn đề.

Từ đó, các em mới tự tin, mạnh dạn phát biểu, trình bày ý kiến của mình trước một vấn đề đang thảo luận. HS chúng ta thiếu tự tin, thiếu mạnh dạn nên còn giấu những khiếm khuyết của mình mà lẽ ra sẽ được khắc phục nếu có sự tự tin.

Mặt khác, GV cũng cần động viên đúng lúc, đúng nơi khi các em phát biểu. Dù ý kiến của HS chưa đúng hoặc chưa sát vấn đề, GV cũng phải cảm ơn và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu.

Thứ tư: Gia đình cũng phải quan tâm đến việc học tập của các em khi tiếp xúc chương trình mới. Cần hỏi các em những cái dễ, cái khó khi học môn này môn kia; khơi gợi cho con em mình nêu lên những khúc mắc khi vận dụng kiến thức… Từ đó, gia đình phối hợp với nhà trường, với GV để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc để việc tiếp thu được suôn sẻ…

Việc chuẩn bị tâm thế cho khâu tiếp thu chương trình mới là hết sức cần thiết. Phải biết trước, lường trước mọi tình huống để chúng ta chủ động hơn khi có chương trình giáo dục mới.

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)