Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh “cúp cua” – không phải chuyện bình thường

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn – Hội cần tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể giúp HS tránh xa môi trường xấu. Ảnh: N.Anh

Việc “cúp cua” (trốn học) của học sinh (HS) làm đau đầu biết bao thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đa số HS trốn học đều có tâm tư riêng, chẳng hạn do yếu một môn học nào đó, sợ truy bài…
Trốn học để làm gì?
Ba mẹ H. – HS lớp 9 Trường THCS Trừ Văn Thố (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) – sáng nào cũng thấy em ôm cặp đi học, đến trưa ôm cặp về nên tưởng con mình học hành đàng hoàng. Nhưng đến khi giáo viên chủ nhiệm lớp báo cho gia đình biết em trốn học thì ba mẹ H. mới vỡ lẽ. H. thú nhận: “Nghe lời rủ rê của bạn bè bên ngoài nên em đến các tụ điểm bida, internet… Sau đó coi người lớn cá độ đá gà”. Còn T. – HS lớp 7 Trường THCS Tân Hội (Cai Lậy) – thường cúp hai tiết cuối vào nhà người quen gần trường để xem… đánh bài.
Một người bạn là giáo viên kể lại: “Bữa nọ, vừa hết tiết 3, có một HS nữ lớp 9 đến gặp tôi mặt nhăn nhó, tay ôm bụng mếu máo xin về. Tôi hỏi: “Em có cần bạn đưa về không?”, em trả lời: “Dạ! Nhà em gần đây, một mình em đi cũng được”. Vậy mà sau khi dạy xong tiết đó, trên đường về, tôi bắt gặp em miệng cười toe toét ngồi sau xe đạp bạn trai chở”.
Không ít phụ huynh cho chúng tôi biết, tưởng con đang học ở trường, nhưng trong lúc đi chợ, họ chết khiếp khi bắt gặp con gái ngồi sau xe của bạn trai ăn mặc rất đỗi là dân chơi.
Thực tế cho thấy, không phải HS trốn học đều hư hỏng. Đa số HS trốn học đều có tâm tư riêng, chẳng hạn do học yếu một môn nào đó, sợ truy bài, mặc cảm với bạn bè khi bị thầy cô chê trách… Qua theo dõi, giáo viên Trường THCS Tân Bình (Cai Lậy) phát hiện em S. – HS lớp 8 – đến giờ Anh văn lại la cà ở chợ. Khi giáo viên hỏi tại sao, em tỉnh bơ trả lời: “Tại em mất căn bản từ lớp 6 mà thầy cô cứ nhằm em kêu lên truy bài. Trả lời không được thì quê với bạn bè”.
Bên cạnh đó cũng có nhiều HS không có động cơ học tập đúng đắn, suy nghĩ hết sức nông cạn. Thấy điều kiện vật chất gia đình khá đầy đủ nên các em chẳng màng đến chuyện học hành, trong khi những người thân trong gia đình muốn con em mình học đến nơi đến chốn. Có HS khi hỏi nguyên nhân trốn học lại bình thản trả lời: “Tại gia đình bắt đi học chứ em đâu có muốn (!?)”. Cách đây vài năm, giáo viên cùng phụ huynh Trường THCS Trừ Văn Thố đã sớm ngăn chặn một số nữ sinh lớp 9 trốn học khi các em này định theo “người quen” ra Vũng Tàu “xin việc làm”. Cũng có nhiều HS “ranh ma” nhờ một người bán hàng rong nào đó đóng giả làm người thân đến xin phép “cho cháu nó về vì gia đình có người thân bệnh nặng”. Đổi lại, những em này sẽ mua quà bánh của họ.
Kỷ luật là biện pháp tối ưu?
Những năm gần đây, nhiều trường đã tái lập hệ thống giám thị để duy trì trật tự. Điều đó cũng được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc trốn học của HS. Hệ thống giám thị sẽ áp dụng những biện pháp kỷ luật, điểm danh thường xuyên sĩ số các lớp nhằm phát hiện ra những trường hợp trốn học để thông báo về gia đình, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Một giáo viên ở Trường THCS Trừ Văn Thố cho biết: “So với trước đây, hiện tượng HS trốn học đã giảm hẳn. Khi có một HS vắng mặt không lý do, giáo viên chủ nhiệm sẽ đến tận nhà tìm hiểu, bàn biện pháp đưa các em trở lại lớp”. Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường THCS ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thận trọng hơn: “Kỷ luật là một chuyện nhưng không phải là biện pháp tốt nhất. Theo tôi HS trốn học là thường những em học yếu, nhà trường cần phối hợp với gia đình cùng các đoàn thể giúp đỡ các em nhiều hơn”.
Có thể nói, ngoại trừ những trường hợp HS cá biệt trốn học do yếu tố tâm lý, có không ít HS trốn học vì hình ảnh lạnh lùng, gay gắt của thầy cô khi truy bài.
Nếu giáo viên thiếu hiểu biết về tâm lý HS, áp dụng những biện pháp kỷ luật cứng nhắc vô tình sẽ làm số HS trốn học tăng lên. Làm thế nào để không còn HS xuất hiện ở những nơi công cộng, quán xá, dịch vụ internet… trong giờ lên lớp không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn của gia đình và xã hội.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh không thể xem thường việc bỏ học, trốn tiết của con cái ở các trường trung học, khi đã xuất hiện một số em lén gia đình trốn học “đi bụi”. Với lứa tuổi này, những người thân trong gia đình ít nhiều phải biết những diễn biến tâm lý của các em, không nên nuông chiều quá đáng, ngược lại “dùng kỷ luật sắt” với các em ắt sẽ có sự phản ứng gay gắt theo chiều hướng tiêu cực.
Ma túy – tình dục – phạm pháp ở HS cũng có thể xuất phát từ những lần trốn học trong giới HS. “Kẻ nào trộm trứng khi còn bé, lớn lên sẽ trộm con gà”. Câu nói ấy xem ra cũng đúng trong trường hợp này. Để đối phó hữu hiệu những trường hợp HS trốn học, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường nhằm kiểm soát chặt chẽ “quỹ thời gian” sử dụng trong sinh hoạt, học tập của các em. Ngoài ra, những quan hệ, giao du của các em cũng cần có hướng dẫn, kiểm soát của phụ huynh và thầy cô chủ nhiệm. Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên nên tổ chức nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt giải trí nhằm thu hút, lôi cuốn HS; bên cạnh vui chơi có giáo dục và nêu gương cá nhân điển hình…
Hoàng Danh
HS trốn học thường là những em học yếu, nhà trường cần phối hợp với gia đình cùng các đoàn thể giúp đỡ các em nhiều hơn.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)