Đặc thù là thành phố lớn với sự phát triển của các ngành nghề liên quan đến khoa học, kỹ thuật, kinh tế… là một trong những nguyên nhân mà theo các chuyên gia tuyển sinh, đã tác động đến việc chọn bài thi và ngành nghề của học sinh (HS) TP.HCM khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Giáo viên Trường THPT Tenlơman (Q.1) thống kê số liệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Ngược dòng…
Theo số liệu công bố của Bộ GD-ĐT, năm 2021, cả nước có trên 1 triệu HS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó tỷ lệ HS chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) là 33,85%; tỷ lệ HS chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) là 53,38%. Tuy nhiên, tại TP.HCM, thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy trong tổng số 86.128 HS dự thi tốt nghiệp THPT, số HS chọn bài thi KHTN là 51.335 em; số HS chọn bài thi KHXH là 34.752 em. Cụ thể, thống kê tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), số HS đăng ký bài thi KHTN là 749 em, trong khi đó bài thi KHXH chỉ có 109 HS đăng ký. Nhận định về sự chênh lệch này, đại diện nhà trường cho hay, đây là con số tồn tại trong nhiều năm nay chứ không phải quá mới mẻ. “Một phần là do định hướng ngành nghề, một phần do các tổ hợp có chứa môn thi trong bài thi KHTN vẫn rất phong phú, được nhiều trường ĐH sử dụng làm tổ hợp xét tuyển trong hầu hết các ngành nghề. Tuy vậy, việc HS chọn bài thi KHTN nhiều không phải là các ngành xã hội không được quan tâm. Bởi thực tế trong quá trình thống kê, chúng tôi nhận thấy các ngành nghề về ngôn ngữ, du lịch, nhân văn, HS lựa chọn rất nhiều”, thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên) chia sẻ. Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), thống kê cho thấy số HS đăng ký bài thi KHTN là 670 em, bài thi KHXH là 87 em. Trước sự chênh lệch này, cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) nhận định, các môn KHXH muốn theo được HS phải có sự đam mê, phải chịu khó tích lũy kiến thức từ sách, báo, xã hội; tuy nhiên nhiều HS lại rất ngại đọc các thông tin xã luận. Trên thực tế vẫn có tình trạng HS thích theo đuổi khối ngành xã hội nhưng phụ huynh lại tác động, định hướng các em theo KHTN, không chỉ vì quan điểm trong học tập mà còn do tổ hợp này lựa chọn ngành nghề phong phú, đa dạng, cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn. “Nhìn sâu xa hơn, con số này phản ánh thực chất sự học của HS. Tức là các em chọn lựa bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH chứ không chỉ là dừng ở mức chọn bài thi để dễ đậu tốt nghiệp”, cô Thắm nói.
Năm nay Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) có 417 HS chọn bài thi KHTN, 201 em chọn bài thi KHXH. Về xu hướng chọn ngành, thống kê của trường cho thấy có sự thay đổi, trong đó nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng được HS quan tâm nhiều. Thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) cho rằng những con số này trước hết phản ánh đúng thực trạng học tập tại trường khi các môn KHTN vẫn “được lòng” nhiều HS, mặc dù các môn KHXH đã có sự đổi mới nhiều trong giảng dạy để thu hút HS. Mặt khác, các con số trên còn thể hiện quan điểm trong chọn lựa ngành nghề của HS, phụ huynh khi quan niệm các môn tự nhiên “rộng cửa” cơ hội việc làm hơn xã hội. Đồng thời cũng phản ánh yếu tố nền kinh tế của thành phố đã tác động đến xu hướng lựa chọn bài thi và ngành nghề của HS.
Cần có giải pháp cân bằng
Theo dõi sát các số liệu trong mỗi mùa tuyển sinh, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhận định, trong suốt nhiều năm TP.HCM luôn là địa phương có sự “ngược dòng” về tỷ lệ HS đăng ký bài thi so với cả nước. Tức là, tỷ lệ HS lựa chọn bài thi KHTN luôn cao hơn so với KHXH, còn số liệu chung của cả nước thì ngược lại. Dù vậy, phân tích sâu hơn, trong tỷ lệ HS đăng ký bài thi để xét ĐH thì xu hướng chọn bài thi KHTN nhiều hơn, số HS chọn bài thi KHXH lại đa phần chỉ để xét tốt nghiệp. Như vậy, con số của TP.HCM trước hết phản ánh rằng, HS lớp 12 tại TP.HCM sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH rất lớn, các em đã có sự cân nhắc khi lựa chọn bài thi. “Trung bình các năm trước đây, TP.HCM có tới 90% HS sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, trong khi ở các địa phương khác, nhất là vùng sâu vùng xa, con số này chỉ chiếm khoảng 50-60%”, TS. Nghĩa thông tin.
Bên cạnh đó, theo TS. Nghĩa, tỷ lệ này còn xuất phát từ nguyên nhân là hầu hết trường ĐH vẫn quá “chiều chuộng” các tổ hợp xét tuyển liên quan đến bài thi KHTN ở các ngành nghề. “Việc chọn bài thi KHTN hay KHXH không có ý nghĩa tác động lớn đến chuyên môn sau này, không phải là yếu tố quyết định đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Bởi hiện nay phương thức xét tuyển ở tất cả các trường ĐH đều rất đa dạng. Hầu như tất cả các ngành đều xét tuyển đa dạng các tổ hợp, trong lĩnh vực xã hội vẫn xét tuyển các tổ hợp liên quan đến tự nhiên và ngược lại, vì vậy, cơ hội ở cả hai nhóm lĩnh vực này là hoàn toàn như nhau. Theo dõi có thể thấy, trong 2 năm gần đây, điểm chuẩn xét tuyển của các tổ hợp khác nhau ở trong một ngành của một trường ĐH đều bằng nhau”, TS. Nghĩa phân tích. Song, đánh giá tổng quát, TS. Nghĩa cho rằng tỷ lệ này tại TP.HCM đã và đang phản ánh thực trạng, xu thế “thi gì học nấy” của HS. Về lâu dài cần có sự can thiệp, điều chỉnh từ phía các trường THPT để việc học không chỉ dừng ở việc phục vụ thi.
Nhìn nhận chung trên cả nước, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho biết vài năm trở lại đây, tỉ lệ HS chọn bài thi KHXH luôn cao hơn so với bài thi KHTN và có xu hướng tăng dần. Nguyên nhân chủ yếu là do HS ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp trước. Con số này càng tăng lên trong năm 2020 và 2021 khi các em chỉ được chọn 1 bài thi duy nhất. “Hiện nay các trường ĐH đã đa dạng phương thức tuyển sinh, HS có thể xét tuyển bằng học bạ hay phương thức khác nhưng điều kiện tiên quyết để học ĐH là phải đỗ tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các em đặt mục tiêu trước hết là tốt nghiệp THPT. Những em chưa thật sự vững về kiến thức bài thi KHTN thường có xu hướng chọn bài thi KHXH để “thoát” điểm liệt, đạt được mục đích tốt nghiệp”, ThS. Quán chia sẻ. Xu hướng này, theo ThS. Quán sẽ phần nào góp phần dịch chuyển lựa chọn ngành nghề của HS, cụ thể các nhóm ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và xã hội đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi. Tuy nhiên, bình diện chung điều này dẫn đến hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực khi nền kinh tế ngày càng đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học – công nghệ.
Nhìn từ phía trường THPT, cô Lý Thị Hồng Thắm cho rằng tỷ lệ nào chênh lệch quá cũng không tốt, để có sự cân đối giữa hai lĩnh vực này về lâu dài cần sự kết hợp đồng bộ, quyết liệt của rất nhiều yếu tố, bao gồm từ phía trường THPT, trường ĐH cho đến các doanh nghiệp tuyển dụng, quan điểm xã hội. Phía trường THPT thay đổi phương pháp giảng dạy các môn KHXH để thu hút HS, phía trường ĐH cũng phải đa dạng các ngành nghề tuyển sinh bằng tổ hợp liên quan đến xã hội.
Bài, ảnh: Long Quân
Bình luận (0)