Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Học sinh Đà Nẵng đoạt giải tại Liên hoan phim châu Á

Tạp Chí Giáo Dục

 

 

 

Với thông điệp đừng kỳ thị với người có AIDS trong bộ phim "Lan, đừng khóc", nhóm học sinh ở thành phố Đà Nẵng đã giành giải ưu tú tại Liên hoan phim châu Á vừa diễn ra tại Nhật Bản.

Trao đổi với PV chiều 15/12, cô Phạm Thị Phong, trưởng đoàn học sinh của trường THCS Tây Sơn (Hải Châu, TP Đà Nẵng) đi tham dự chương trình giao lưu thanh thiếu niên – học sinh Đông Á và Liên hoan phim học sinh châu Á tại Nhật Bản, cho biết cả cô và trò của trường đều rất vui với kết quả vừa đạt được.
“Giải ưu tú là giải thưởng cao nhất, vượt qua 116 bộ phim đến từ 10 quốc gia tại liên hoan phim. Điều này chứng tỏ khả năng làm phim đặc biệt của học sinh Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”, cô Phong nói.
Bộ phim "Lan, đừng khóc" với thời lượng gần ba phút do nhóm học sinh Phan Thị Thùy Dung, Trịnh Lan Phương (cùng lớp 7/9), Võ Tuấn Quang (lớp 8/9) thực hiện bằng máy quay phim mini và được cô Phạm Thị Phong trực tiếp hướng dẫn trong dịp nghỉ hè vừa qua.
Cô Phong cùng 3 học sinh đoạt giải, từ trái qua Tuấn Quang, Lan Phương và Thùy Dung. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phim diễn tả cảnh trong giờ ra chơi, Quang tình cờ thấy quyển nhật ký có gắn con thú bông ở cặp của Lan, tò mò mở ra xem biết được chuyện bố mẹ Lan mất vì bệnh AIDS. Quang sợ hãi kêu lên làm các bạn trong lớp biết hết, ai cũng xa lánh, kỳ thị Lan. Cô giáo biết chuyện liền giảng giải cho cả lớp rõ về căn bệnh HIV/AIDS.
Tan học, các bạn đi tìm Lan. Khi thấy Lan ngồi khóc trên cầu nơi bờ sông với ý định tự tử, Quang đến xin lỗi. Lan vui vẻ trở về vì các bạn trong lớp đã hiểu biết rõ về AIDS.
Nói về ý tưởng của bộ phim, Trịnh Lan Phương, nhân vật chính (Lan) trong phim, cho biết lúc đầu nhóm dự định làm bộ phim về môi trường nhưng sau nhận thấy trên thế giới có biết bao trẻ em kỳ thị với người HIV/AIDS. Vì thế nhóm đã thực hiện bộ phim với thông điệp mở rộng vòng tay yêu thương, xóa đi mặc cảm với nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.
Đoàn học sinh của trường THCS Tây Sơn chụp ảnh kỷ niệm tại Nhật Bản. Ảnh do nhà trường cung cấp.
Cả cô và trò đã mất nửa tháng viết kịch bản và một tháng rưỡi để thực hiện các cảnh quay. “Khi đóng phim cũng có nhiều vui buồn, có những lúc tranh luận gay gắt về kịch bản hay cảnh quay”, Lan Phương cười nhớ lại.
“Nhớ nhất là buổi chiều cả nhóm ra bờ sông thực hiện một cảnh quay thì trời nổi dông, rất phù hợp với nội dung trong phim. Nhờ thế mà bộ phim thêm sinh động”, Phan Thị Thùy Dung, quay phim chính của “Lan, đừng khóc” kể.
Học cùng lớp với “đạo diễn nhí” Hồ Thị Hiếu Hiền, Võ Tuấn Quang, nhân vật nam trong phim, tâm sự: “Hiếu Hiền muốn làm phim để thức tỉnh lòng người, và em cũng thế. Qua Liên hoan phim lần này, em và các bạn trong nhóm học thêm được cách làm phim không cần lời thoại nhưng vẫn truyền tải được ý nghĩa”.
Năm 2010, Trường THCS Tây Sơn giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế dành cho trẻ em châu Á được tổ chức tại Nhật Bản với bộ phim "Buổi học của Thúy", do Hồ Thị Hiếu Hiền cùng nhóm bạn thực hiện.
Theo Nguyễn Đông
(vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)