Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giác dục chính trị, tư tưởng năm học 2011-2012 và sơ kết 4 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT-HSTC)” năm 2008-2012. Qua các tham luận cho thấy, HS đã yêu trường, mến lớp hơn, các em thật sự thích đến trường…
Tham dự hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều – Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – đã nhấn mạnh: “HS thích đến trường, nghĩa là ngành GD-ĐT đã thành công trong phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” và giáo dục tư tưởng – chính trị…”.
Từ phong trào “Xây dựng THTT-HSTC”, TP.HCM đã không còn HS nào phải nghỉ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở. Ngoài những suất học bổng từ Hội Khuyến học TP, Công đoàn ngành… HS khó khăn còn nhận được sự giúp đỡ từ chính bạn bè mình thông qua hoạt động “Giúp bạn vượt khó”, “Nuôi heo đất giúp bạn”…
Nhằm tạo sự gần gũi với thiên nhiên cho HS, nhiều trường đã tích cực trồng cây xanh. Tùy từng khu vực mà có những loại cây, cỏ khác nhau. Trung bình mỗi năm các trường trồng mới khoảng 57 ngàn cây xanh. Không chỉ có vậy, nhà vệ sinh trong trường học từ lâu đã không còn mất vệ sinh nữa. Nhiều trường học xây dựng được nhà vệ sinh vừa sạch, vừa đẹp. Đặc biệt ở Q.Gò Vấp, nhà vệ sinh còn trang trí nhiều hình ảnh phù hợp với lứa tuổi HS và có cả âm nhạc để “phục vụ” các em. Trò chơi dân gian được đưa vào tất cả các trường học và tạo được sự hứng thú của HS. Qua đó đã phần nào ngăn chặn được đồ chơi không an toàn vào trường học, tình cảm giữa các em HS cũng được gắn kết hơn. Đối với HS lớp lớn giảm hẳn việc tụ tập, gây gổ đánh nhau, giảm HS bỏ học đi chơi game…
Để tô đậm thêm tình yêu quê hương đất nước, ở HS nhiều trường đã tổ chức cho các em chăm sóc di tích lịch sử, đến nay đã có 655 trường tham gia chăm sóc gần 150 di tích. Bên cạnh đó, cũng trên 200 bà mẹ Việt Nam và gia đình thương binh, liệt sĩ được chăm sóc, hỗ trợ.
Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhấn mạnh: “Phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” năm học 2012-2013 sẽ tập trung vào ba chủ đề chính là: Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, sử dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường để đảm bảo nội dung “Đi học an toàn”; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống đẹp, văn minh, sống có ích; tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổng kết 5 năm phong trào thi đua tại các cấp, các cơ sở giáo dục”.
Nhằm tạo sức đề kháng cho HS trước những cạm bẫy của xã hội, sống tốt hơn, các trường phổ thông đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục pháp luật, đạo đức. Đồng thời tạo ra các hoạt động vui chơi bổ trợ cho việc học tập bộ môn GDCD. Ông Thái Quốc Tuấn – Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết phòng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tham quan ngoại khóa cho HS như tham dự những phiên tòa xét xử các vụ án có liên quan đến đối tượng HS-SV (đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng, mua bán ma túy, cướp giật tài sản…); tổ chức các hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tìm hiểu truyền thống đấu tranh cách mạng, giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục tình cảm yêu quê hương đất nước, quý trọng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tham quan bảo tàng và di tích văn hóa lịch sử; tìm hiểu truyền thống làng nghề kết hợp với giáo dục hướng nghiệp cho HS… Các hoạt động ngoại khóa rất có ích cho việc giáo dục tư tưởng đạo đức, giáo dục tình cảm, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm cho HS. Bài học từ thực tiễn cuộc sống đã hỗ trợ tích cực cho những bài học GDCD trong sách vở của nhà trường.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)