Phụ huynh cần quan tâm chế độ ăn uống hợp lý cho con để tránh bị thiếu máu dinh dưỡng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Lê |
Đang ở độ tuổi phát triển về cơ thể nhưng thời gian gần đây, Trần Thị Thơ – HV lớp 12 của Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh, TP.HCM có biểu hiện mệt mỏi mỗi khi vào lớp, ngồi nghe giảng đến tiết 3 hoặc tiết thứ 4 trong buổi sáng là em bắt đầu thấy uể oải trong người, nhiều khi có triệu chứng chóng mặt hoa mắt.
Không đủ hồng huyết cầu
Hiện tượng đó không chỉ xảy ra trong tuần mà cứ liên tục trong cả tháng. Chị Lê Thị Ngân (mẹ của Thơ) càng lo lắng hơn khi thấy con gái mình biếng ăn, tóc rụng nhiều, bàn tay nhợt nhạt. Chỉ đến khi đưa con đi khám tại BV Thủ Đức, chị Ngân mới được BS cho biết con gái chị bị thiếu máu. Sau lần khám bệnh đó, ngoài việc bổ sung uống viên sắt, Thơ được BS cho uống thêm một số loại thuốc có tác dụng kích thích sự phát triển của hồng cầu và nhằm thúc đẩy quá trình chuyển hóa của tế bào.
BS. Nguyễn Lê Cẩm Thạch – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Nguyên nhân thiếu máu của trẻ chủ yếu do tình trạng bất thường của hồng huyết cầu mà chủ yếu là lượng hemoglobin – nguyên liệu tạo nên hồng cầu – thấp hơn bình thường. Có nhiều lý do tạo không đủ hồng cầu nhưng thường là do thiếu sắt. Ngoài ra acid folic và vitamin B12 cũng là những nguyên liệu cần thiết để tạo nên hồng cầu. Tủy xương sản sinh ra hồng cầu không phù hợp cũng làm cho bệnh nhân – nhất là trẻ em – bị thiếu máu”.
Theo tài liệu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM lứa tuổi học sinh rất dễ bị thiếu máu dinh dưỡng. Lý do là cơ thể của “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” đang tăng trưởng và phát triển rất nhanh nên cần được cung cấp nhiều các chất dinh dưỡng, trong đó không thể thiếu chất sắt để tạo máu. Có một điều ít ai biết là nhiễm giun sán cũng làm hao hụt chất sắt. Nhất là các bạn nữ sinh, hàng tháng bị mất máu qua các chu kỳ kinh nguyệt, và cả những người ăn uống kiêng cữ (ăn chay trường) dễ bị thiếu hụt chất sắt hơn.
Thiếu máu dinh dưỡng sẽ làm cho bệnh nhân giảm tập trung trong lúc làm việc và học tập, buồn ngủ khi nghe giảng bài. Không chỉ ảnh hưởng đến trí não, tình trạng thiếu máu còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực.
Có thể phòng ngừa được
Theo khuyến cáo của BS, trước hết phải quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày, đủ số lượng và đủ chất nhất là các thức ăn giàu chất sắt như thịt, cá, trứng, gan huyết; các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, chanh, đu đủ và cả rau xanh cũng rất hữu ích cho việc hấp thu sắt. Hạn chế ăn quà vặt ở lòng lề đường, nhất là trẻ em không đi chân đất để không bị nhiễm giun sán. Cách tốt nhất nên xổ giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Các bạn nữ sinh trên 15 tuổi phải được uống bổ sung viên sắt hàng tuần, mỗi tuần 1 viên, uống 16 tuần liên tục mỗi năm. BS. Thạch cho biết khi uống viên sắt cần lưu ý: nên uống giữa hai bữa ăn, nên uống nhiều nước (khoảng 1,5 lít mỗi ngày) và tăng cường vận động đề phòng chống táo bón khi uống viên sắt. Sắt có thể làm thay đổi màu phân nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi ngưng uống viên sắt, phân sẽ trở về bình thường. Một số trường hợp khác BS nhận thấy có những nguyên nhân đặc biệt và cần thiết phải làm xét nghiệm kiểm tra trước khi điều trị. Trong trường hợp cần thiết bệnh nhân còn phải được truyền máu. Nếu điều trị đúng, ăn uống khoa học hợp lý thì bệnh nhân sớm hồi phục không còn tình trạng thiếu máu như trước. Khi hồng cầu được tái tạo đầy đủ cơ thể sau đó sẽ khỏe mạnh.
Ngọc Quang
Bình luận (0)