Thầy cô cần quan tâm đến học sinh. Ảnh: Anh Khôi
|
Càng về những năm cuối cấp, học sinh càng dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực học hành, thi cử, chọn ngành nghề… Điều đó luôn tác động đến sức khỏe thể chất, tinh thần của các em.
Từ đó, những cơ hội vui chơi, giải trí cũng mất dần kèm theo đó là những biểu hiện của stress như hay cáu gắt, chán ăn, mất ngủ… thậm chí là mất phương hướng.
Lỗi từ cha mẹ
Sự quan tâm của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của học sinh giai đoạn này. Lứa tuổi 15-17 được xem là giai đoạn đầu của tuổi thanh niên. Các em vừa mới vượt qua thời kì khủng hoảng tâm lý, kinh nghiệm sống còn ít. Vì vậy, khả năng làm chủ cảm xúc của các em cũng như khả năng điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi còn hạn chế. Tuy nhiên, thực tế một số phụ huynh không hiểu được điều đó mà họ luôn áp đặt, ra điều kiện, thậm chí còn độc đoán, gia trưởng làm tổn hại đến tinh thần con. Một số phụ huynh quá lo chuyện kiếm tiền mà không quan tâm đến con cái, hoặc khoán trắng cho nhà trường, gia sư… Em Hoàng Ngân (học sinh lớp 10 ở Q.Phú Nhuận) cho biết: “Dường như tất cả việc học tập em đều tự lo liệu, ba mẹ suốt ngày làm việc ở công ty nên hầu như không quan tâm đến gia đình. Những lúc khó khăn nhất như thi cử thì cha mẹ lại đi vắng, em cảm thấy rất chạnh lòng và tủi thân”.
Theo một nghiên cứu trên 30 phụ huynh ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) của chúng tôi, tỉ lệ cha mẹ hoàn toàn không có thời gian để nói chuyện với con em chiếm 10,1%, trong khi đó 27,7% các em thường xuyên và luôn luôn mong muốn có một nơi để dốc bầu tâm sự hoặc tìm lời khuyên để giải quyết những vấn đề khó nói.
Một số học sinh trong hoàn cảnh cá biệt cũng thường xuyên xuất hiện những đặc điểm tâm lý, tinh thần đặc biệt. Trong số 20 học sinh được trao đổi thì có đến 11,1% em sống trong gia đình có cha mẹ ly thân, ly dị hoặc đã chết. 9,1% học sinh sống trong gia đình có cha mẹ uống rượu hàng ngày. 33,4% học sinh sống trong gia đình có cha mẹ hoặc người thân thường xuyên cãi lộn, đánh nhau. Những em này thường mất phương hướng và hứng thú trong học tập, thích gia nhập những nhóm bạn để bù đắp sự thiếu vắng trong đời sống tình cảm.
Thầy cô giáo ít quan tâm
Nếu ở gia đình cha mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần trẻ thì ở trường đội ngũ thầy cô giáo là người trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ tinh thần, lắng nghe, thấu hiểu giúp các em giải tỏa tâm lý. Hiện nay, vai trò của một số thầy cô giáo còn thiếu hoặc yếu về kỹ năng trong việc quan tâm chia sẻ, tư vấn cho các em, dẫn đến học sinh cảm thấy thiếu tự tin, thiếu chỗ dựa tinh thần; thậm chí nảy sinh tâm lý coi thường thầy cô, tự do, tùy tiện. Một số vấn đề cần được giúp đỡ bởi thầy cô giáo nhưng họ lại tỏ ra thờ ơ, lãnh cảm với học trò, điều đó có thể dẫn đến những bức xúc khó kiểm soát và hậu quả là những chấn thương tâm lý luôn đè nặng.
Em Bình An (học sinh lớp 11, Q.3) chia sẻ: “Từ khi ba em mất, ở trường em cần có sự chia sẻ cảm thông của thầy chủ nhiệm nhưng dường như thầy không quan tâm nhiều lắm, em thực sự mất lòng tin vào thầy”.
Chia sẻ cùng chuyên gia
Theo các giảng viên tâm lý, trong giai đoạn THPT, các em chịu sức ép từ nhiều phía, đặc biệt là chương trình học, chọn ngành nghề, lo thi đỗ tốt nghiệp, thi ĐH-CĐ, rồi áp lực từ gia đình… Chính vì vậy, thường xuyên nảy sinh những biểu hiện rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của học sinh. Vì vậy, cha mẹ cùng với đội ngũ thầy cô giáo nên thường xuyên tìm hiểu nhu cầu, hứng thú, khuynh hướng, nguyện vọng của các em, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc.
Trong mọi trường hợp không nên áp đặt các em quá mức. Giúp các em giải tỏa kịp thời những khó khăn gặp phải. Đồng thời kết hợp giữa chơi và học tạo cảm giác, bầu không khí thoải mái vui tươi, sẵn sàng cho các em tự tin trong học tập và cuộc sống.
Đối với những trường hợp có hoàn cảnh cá biệt (khuyết về cha hoặc mẹ) thì nhà trường cần phải thường xuyên quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo cho các em có thể cân bằng được tâm sinh lý, vững vàng trong cuộc sống, hòa nhập cùng bạn bè, cộng đồng xung quanh, tránh được những mặc cảm, tự ti, cô đơn.
Lê Phạm phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Cha mẹ cùng với đội ngũ thầy cô giáo nên thường xuyên tìm hiểu nhu cầu, hứng thú, khuynh hướng, nguyện vọng của các em, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc. |
Bình luận (0)