Sau năm tuần liên tiếp là vùng xanh, nhiều trường học tại TPHCM bắt đầu tổ chức hoạt động giáo dục bình thường, không giới hạn số tiết, miễn là đảm bảo phòng dịch. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, học sinh ở nhiều nơi đã có thể học hai buổi/ngày.
Con đi học lại, mừng nhiều hơn lo
Anh Phước Vinh, phụ huynh lớp Bốn Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), cho biết: “Tôi thường xuyên đi công tác nên việc học của hai con phần lớn do vợ lo. Thời gian học online vừa qua, vợ khá mệt khi kèm đứa con lớn học, bởi con rất ham chơi. Tuần này, con chỉ còn học online chương trình tiếng Anh tích hợp. Bắt đầu từ ngày 14/2, con sẽ đi học trực tiếp một buổi tại trường. Cô giáo chủ nhiệm đang lấy ý kiến phụ huynh về đi học bán trú cho tuần tới. Tôi thấy nhiều phụ huynh đang lo lắng vấn đề an toàn vì các bé tiểu học chưa được tiêm phòng. Vợ chồng tôi cũng lo nhưng rõ ràng trẻ đi học lại vẫn tốt hơn ở nhà”.
Trong khi đó, khi được hỏi là mừng hay lo khi con đi học trở lại mà chưa tiêm ngừa, chị Thùy Linh (Q.8) có hai con đang học tại Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn và Trường mầm non Thỏ Ngọc, lập tức nói: “Mừng nhiều hơn lo. Bởi cha mẹ đã ra ngoài đi làm nếu nói an toàn thì vẫn không thể tuyệt đối an toàn, trong khi con mong được đến trường và cha mẹ cũng thế”.
Chị cho biết thêm, với con lớn học lớp Ba, từ ngày 7/2, cô giao bài về cho tự học chứ không còn học online, qua tuần sau sẽ học trực tiếp. Hiện trường đang lấy ý kiến về việc có nên tổ chức bán trú hoặc học hai buổi không bán trú để phụ huynh chọn. Trường mầm non của bé nhỏ cũng vừa nhắn tin cho phụ huynh hay từ ngày 14/2 sẽ nhận trẻ đi học trực tiếp. Trước mắt, phụ huynh phải cho con ăn sáng ở nhà trước khi đến trường, còn lại các hoạt động bán trú diễn ra bình thường. Như vậy, từ tuần tới, sinh hoạt của gia đình chị sẽ được trở về quỹ đạo ban đầu, đây mới chính là bình thường mới của cả tụi nhỏ và cha mẹ.
Khác với các đợt khảo sát trước đây, nhiều phụ huynh học sinh không còn lấn cấn về việc cho con đến trường. Theo thống kê từ các trường trên địa bàn, trong những buổi học đầu tiên sau nghỉ tết, học sinh đi học khá đông đủ. Tại Trường THCS Trần Văn Ơn và Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), số học sinh vắng khá ít. Nguyên nhân chủ yếu là do các em nghỉ tết ở những địa phương xa, chưa về kịp thành phố hoặc về quá sát ngày đi học, chuẩn bị chưa kịp. Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) có hai học sinh bị F0 phát sinh trong quá trình nghỉ tết ở gia đình. Trong số gần 2.000 học sinh thì trong ngày học đầu tiên cũng chỉ vắng hơn 50 em…
Học sinh đi học sau tết tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) – Ảnh: Phúc Trần
Mạnh dạn tổ chức học hai buổi, bán trú
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, ở những quận, huyện và TP.Thủ Đức thuộc vùng xanh, các trường có thể tổ chức các hoạt động giáo dục bình thường, không giới hạn số tiết… miễn là đảm bảo phòng dịch. Ngay từ những buổi học đầu tiên, nhiều trường đã mạnh dạn tổ chức dạy học hai buổi/ngày.
Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) bắt đầu thực hiện việc học hai buổi/ngày ngay từ tuần học đầu tiên sau đợt nghỉ tết. Trong đó, buổi hai chỉ tối đa ba buổi/tuần, học sinh được học bổ sung kiến thức, các môn năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ đội nhóm. Ở thời điểm này, trường không tổ chức bán trú. Trước khi dịch xảy ra, vào buổi trưa, học sinh có thể mua đồ ăn ở căng-tin rồi lên lớp ngủ trưa. Tuy nhiên, hiện nay, căng-tin vẫn chưa hoạt động lại. Để đáp ứng nhu cầu ăn sáng, nghỉ ngơi cho học sinh, trường đã lùi thời gian bắt đầu học buổi sáng lại 15 phút so với trước kia, và thời gian ra chơi, nghỉ giải lao cho học sinh là hai lần.
Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), thông tin nhà trường chính thức tổ chức học hai buổi/ngày ngay tuần đầu tiên học sinh trở lại sau nghỉ tết, chủ yếu là những lớp học tích hợp. Ngoài ra, trường vẫn chưa tổ chức bán trú, mà đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất và chờ quận phê duyệt. Vì vậy, tạm thời việc ăn trưa của học sinh sẽ do phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp tự lo. Giáo viên chủ nhiệm của lớp sẽ hỗ trợ thêm cho phụ huynh. Các em sẽ được ngủ, nghỉ trưa tại lớp. Các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường trước kia, nay sẽ được chuyển sang việc trải nghiệm ngay trong lớp học. Dù hoạt động dạy và học trong nhà trường đã bình thường trở lại nhưng các thầy cô vẫn hết sức thận trọng, chậm rãi triển khai từng bước, nâng cao ý thức phòng dịch.
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng, việc cho con đi học lại chính là sự giải tỏa. “Học online trên cái màn hình nhỏ ròng rã tám tháng. Ở quanh quẩn trong gian nhà chật chội, cửa khóa then cài, nghe nhiều tin COVID-19, thi thoảng nhà kế bên khóc gào lên, còn thì âm thanh lúc nào cũng vắng lặng… Đi học lại tất nhiên vui đó, nhưng để các em vui thật sự hay nói đúng hơn làm sao giải tỏa áp lực tâm lý cho các em. Ngoài việc lấp đầy kiến thức cho học sinh, nhà trường tăng cường các hoạt động văn thể mỹ, kỹ năng; lắng nghe tâm tư, tư vấn và giải tỏa các vấn đề tâm lý học đường cho học sinh”, thầy Phú cho hay.
Theo Tiêu Hà – Phúc Trần/PNO
Bình luận (0)