Không thể tin tại TP.HCM tồn tại nhiều cây cầu sắt có tuổi đời hàng chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần đi qua cầu rung bần bật, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Mặt cầu Rạch Đỉa thường xuyên được chắp vá như thế này
Cầu yếu, rung lắc ngay cả lúc ít người và phương tiện qua lại là nỗi ám ảnh của người dân. Tại sao những cây cầu này vẫn chưa được khởi công xây mới trong khi mật độ lưu thông qua khu vực ngày càng cao?
Đó là thắc mắc của người dân mỗi lần đi qua đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Con đường này hiện còn 4 cây cầu sắt là Rạch Đỉa (nối P.Tân Hưng, Q.7 và xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè); cầu Long Kiểng (nối Phước Kiển và Nhơn Đức); cầu Rạch Tôm (xã Nhơn Đức) và cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Được biết, các cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975 với kết cấu hoàn toàn bằng sắt, thép. Qua thời gian, không biết đã bao lần gia cố, sửa chữa các thanh sắt có dấu hiệu gỉ sét, mục nát. Nhiều chỗ, mặt cầu vênh lên, mối hàn bong tróc là nguyên nhân gây tai nạn.
Trong số đó, cầu Long Kiểng đã bị sập nhịp trong đêm 22-1-2018 do xe ben chở đá quá tải đi qua trong đêm. Sự cố sập cầu làm xe ben rơi xuống sông khiến người dân hoang mang, lo lắng trong khi nguy cơ sập đã được cảnh báo từ nhiều năm trước.
Ông Nguyễn Văn Tín (ngụ ấp 3, xã Nhơn Đức) bức xúc: “Tưởng sau vụ sập, cầu được xây mới như kế hoạch nhưng đến nay lại bỏ dở, nỗi lo vẫn còn đó. Mỗi sáng chở con đi học qua đây, cầu rung bần bật dù thời điểm rất ít phương tiện qua lại. Giờ cao điểm, chứng kiến cảnh người xe chen chúc qua cầu mà run, nếu không may cầu sập lần nữa thì không phải một, hai người mà có đến hàng trăm người rơi xuống sông”.
Cầu Long Kiểng mới xây dựng dở dang
Chỉ tay về phía cầu Long Kiểng mới xây dang dở, ông Tín lắc đầu, nói: “Nhìn hàng rào, lô cốt bảo vệ an toàn vậy thôi chứ bên trong không một bóng công nhân, máy móc, vật tư cũng đã chuyển đi đâu hết từ cuối năm 2019”. Đúng như ông Tín nói, bên trong hàng rào bảo vệ trống trơn, chẳng một bóng người nào. Theo tìm hiểu của phóng viên, cầu Long Kiểng không thể tiếp tục thi công sau khi hoàn thành các trụ cầu, nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng chưa xong.
Tương tự, cầu Rạch Đỉa cũng được cảnh báo có thể gãy sập bất cứ lúc nào do kết cấu không còn đảm bảo, trong khi lưu lượng xe qua lại mỗi ngày rất lớn. Một công nhân gác cầu tại đây cho biết, mặc dù đã có biển cảnh báo, biển cấm xe tải nhưng không ít tài xế bất chấp, lợi dụng sơ hở lúc đêm khuya là cho xe chạy qua. Nguy hiểm hơn, những xe này chủ yếu chở đá, cát xây dựng vượt tải trọng cho phép.
“Do cầu yếu và hẹp nên chúng tôi bố trí người trực phân luồng để tránh hai xe tải nhỏ gặp nhau trên cầu nhưng vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành”, công nhân này nói.
Chị Nguyễn Thị Phượng (tiểu thương chợ tạm Rạch Đỉa) cho hay, chỉ trong hơn một giờ, tôi chứng kiến có đến 5 vụ tai nạn do mặt cầu trơn trượt, cũng may chỉ trầy xước nhẹ, trong đó có học sinh.
Đêm 22-1-2018, một xe tải chở đá gây sập cầu Long Kiểng do quá tải trọng cho phép là 3,5 tấn. Sau 10 ngày sửa chữa, gia cố (tức 13 giờ ngày 31-1-2018), các phương tiện được phép lưu thông. Cầu Long Kiểng mới dài 418m, đường dẫn rộng 15m với tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng. Cầu được khởi công ngày 9-8-2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2019, tuy nhiên, đến thời điểm dự kiến hoàn thành chỉ mới xây dựng được các trụ cầu. |
Ngoài 4 cây cầu sắt được xây dựng từ trước năm 1975, huyện Nhà Bè còn một cây cầu nữa đã được khởi công từ gần 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa nối đôi bờ, đó là cầu Phước Lộc (cầu bê tông đã xây dựng nhiều năm thuộc xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè). Ông Ngô Văn Tới (ngụ xã Phước Lộc) lo lắng: “Cầu Phước Lộc cũ tải trọng thấp, hẹp khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Bà con ở đây ăn ngủ không yên khi hai đầu cầu cũ là điểm sạt lở nặng”.
Tại huyện Nhà Bè, có rất nhiều trường học mà học sinh muốn đến trường phải đi qua các cây cầu sắt thiếu an toàn như thế này như Trường TH Lê Quang Định, Lê Lợi, Lê Văn Lương, THCS Lê Lợi, THCS Nguyễn Văn Quỳ, THCS Hai Bà Trưng, THPT Phước Kiển…
Theo Sở GTVT TP.HCM, các cây cầu Rạch Đỉa, Rạch Tôm và Rạch Dơi đã có chủ trương xây dựng từ 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy vì lý do khách quan.
Trong thời gian chờ xây cầu mới, người dân đề xuất cần cấm các phương tiện 7 chỗ, 9 chỗ cũng như xe tải nhỏ qua cầu vừa đảm bảo an toàn tải trọng, vừa hạn chế kẹt xe qua khu vực này. Theo đó, các phương tiện này có thể di chuyển từ đường Nguyễn Hữu Thọ để vào đường Lê Văn Lương bằng các đường Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Bình…
Bài, ảnh: A.Trần
Bình luận (0)