Trong những năm qua ngành GD-ĐT và các ngành chức năng liên quan không những tăng cường chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục Luật An toàn giao thông (ATGT) khi các HS-SV vừa bước vào năm học mới mà thực hiện điều này một cách thường xuyên trong các buổi sinh hoạt chào cờ, ngoại khóa hay tích hợp vào các môn học chính khóa… Thậm chí ngành GD-ĐT đã đưa ra những biện pháp như đuổi học, hạ bậc hạnh kiểm để xử lý nghiêm các HS-SV vi phạm Luật ATGT nhưng tình trạng vi phạm Luật ATGT ở HS-SV không suy giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Theo số liệu thống kê đa phần các trường hợp HS-SV vi phạm Luật Giao thông như đi mô tô xe gắn máy khi không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ; vượt quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm; học sinh đi xe đạp dàn hàng 3 hàng 4 lấn chiếm lòng đường, chở quá số người quy định… thậm chí có những trường hợp HS-SV còn chống lại lực lượng làm nhiệm vụ…
Từ những vi phạm trên cho thấy vấn đề này không còn là chuyện riêng của ngành GD-ĐT, ngành công an nữa mà là của toàn xã hội phải cùng nhau chung tay ra sức ngăn chặn trong đó yếu tố gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Đã có không ít gia đình vô tình hay cố ý đẩy các em trở thành những người vi phạm Luật ATGT, chẳng hạn như giao xe máy cho con sử dụng khi chưa có giấy phép lái xe, thậm chí mỗi khi đi đâu cha mẹ cũng bắt con dùng xe máy để chở, thấy con bước ra khỏi nhà đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm vẫn thờ ơ không nhắc nhở… Nếu như gia đình biết con em mình chưa có giấy phép lái xe hay chưa đủ tuổi thì nhất quyết không giao chìa khóa xe máy hay sắm xe cho con chạy thì lấy đâu ra chuyện xuất hiện tình trạng HS-SV sử dụng xe máy không đúng quy định.
Chính vì vậy đã đến lúc cần phải có sự chung tay của gia đình trong việc đảm bảo thực hiện Luật ATGT trong HS-SV bằng những cam kết không chỉ của nhà trường với HS-SV mà còn giữa nhà trường với gia đình HS-SV. Có như vậy mới mong tình trạng vi phạm Luật ATGT trong HS-SV được hạn chế và giảm dần.
Văn Thi Hoàng
(Trường THCS Phan Bội Châu,
Quảng Nam)
Bình luận (0)