Các thầy cô giáo đi dạy nhiều năm ít nhiều sẽ gặp chuyện học sinh “đổ lì”. “Đổ lì” là lúc học sinh không còn biết sợ ai hết, các em chỉ muốn thỏa ý của mình, bất chấp mọi lời khuyên nhủ, răn đe, thậm chí hù dọa. Khi học sinh có biểu hiện như thế, đó chính là lúc giáo viên thể hiện được bản lĩnh sư phạm, kinh nghiệm giáo dục của mình.
Vừa qua, ở một trường tiểu học có hai trường hợp xảy ra tương tự nhưng với cách giải quyết hoàn toàn khác của hai giáo viên đã dẫn đến kết quả khác nhau. Em X., học sinh lớp 4A, sau kỳ nghỉ Tết dài đã không chịu đi học vì suốt thời gian nghỉ Tết em được mẹ dắt ra chợ phụ bán hàng. Bán chợ Tết rất vui, vì em được mẹ cho ăn thỏa thích, được bạn của mẹ lì xì, cho quà bánh… Sau Tết, em không chịu đi học mà tỏ ý muốn nghỉ học, đi bán cùng mẹ. Quá cưng chiều con, mẹ của X. lại cho em nghỉ thêm vài ngày để đi bán với mình. Ngày trở lại trường học, em khóc la, không chịu vào lớp. Cô giáo và ba mẹ nói thế nào em cũng không nghe lời. Cô giáo bảo phụ huynh về, rồi dặn bảo vệ trường không cho em ra khỏi cổng. Vậy là em cứ đứng trước cửa lớp học khóc la. Khi đó, cô giáo đã bình tĩnh bảo X. chọn lựa một trong hai điều cô đưa ra: “Một là vào lớp học, ăn cơm trưa xong (X. học bán trú) cô sẽ gọi cho ba rước về để ra chợ bán với mẹ một buổi nữa. Hai là cô sẽ để X. đứng đó la khóc thỏa thích đến khi nào mệt thì thôi”. Lát sau, X. chọn điều một. Ăn trưa xong, cô giả vờ gọi điện thoại nhưng ba của X. không bắt máy. Đến 4 giờ chiều, cô gọi cho phụ huynh rước X. về sớm 30 phút và cho em ra chợ với mẹ như lời cô hứa. Hôm sau, X. đã trở lại lớp học bình thường.
Vài hôm sau, ở lớp 4B cũng xảy ra trường hợp tương tự. Em Y. đến lớp nhưng không chịu học, không chép bài, không làm bài. Cô giáo nói gì em cũng không trả lời. Cô giận la mắng, Y. đã xé sách vở trước lớp và bảo rằng sẽ không học nữa. Cô giáo gọi phụ huynh đến ngay lúc đó. Nghe kể lại và nhìn thấy sách vở tung tóe, ba của Y. không kìm được nóng giận đã đánh em trước lớp, cô giáo phải can ngăn. Sau hôm đó, Y. đã nghỉ học. Ba mẹ nói ngon ngọt, la mắng, đánh đập cỡ nào Y. cũng không chịu đi học lại, có lẽ vì em tự ái với bạn bè. Giờ đây, cô giáo và học sinh lớp 4B ngày nào cũng đến động viên Y. đi học lại nhưng chưa có kết quả. Cô giáo rất hối hận vì cách xử lý vội vàng, thiếu bình tĩnh của mình đã dẫn đến kết quả đáng buồn như thế.
Giáo dục trẻ nhỏ là một điều không đơn giản. Cưng chiều quá hay nghiêm khắc quá đều có thể làm trẻ hư thêm, nhất là khi trẻ đã “đổ lì”. Bình tĩnh và xử lý một cách nhẹ nhàng là điều hết sức cần thiết không chỉ cần có ở giáo viên mà cả ở phụ huynh.
Lê Phương Nhân Tâm
Bình luận (0)