Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh đối thoại với lãnh đạo

Tạp Chí Giáo Dục

HS tích cực trình bày ý kiến với lãnh đạo các ban ngành trong buổi đối thoại

Hàng chục lượt câu hỏi được đưa ra tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành GD-ĐT, các tổ chức gắn liền với đơn vị trường học với chủ đề “Tiếng nói học sinh TP.HCM lần thứ 5”, các em học sinh (HS) đến từ 200 trường THPT, TTGDTX trên địa bàn TP.HCM đã đề cập đến nhiều vấn đề gần gũi và thiết thực.
Tránh thông tin “phong trào”
Ngay từ đầu buổi đối thoại, không khí đã trở nên “nóng” với nhiều ý kiến từ chính những tâm tư, nguyện vọng của các em. Em Lê Bội Say (HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hiền) lặp lại vấn đề mang tính “lịch sử” vẫn thường được đưa ra ở các buổi đối thoại trước đây: Chương trình học của HS phổ thông hiện nay khá nặng, nhiều môn học trong chương trình không biết sẽ được ứng dụng vào đâu trong cuộc sống sau này của các em. “Em là con gái nhưng trong bộ môn công nghệ lại học về điện, cách lắp ráp, tháo gỡ ốc vít… Em nghĩ những phần này không thực sự cần thiết phải có trong chương trình. Thay vào đó, chúng em cần được rèn luyện nhiều hơn các kỹ năng để ứng phó với thực tế”, Say dẫn chứng. Tương tự, Nguyễn Thế Mạnh Tường (HS Trường THPT Nguyễn An Ninh) cũng nhận định: HS hiện nay đang… sợ kiến thức. Tường cho rằng, không chỉ em mà còn nhiều HS khác cũng băn khoăn không biết những kiến thức nào là để ra đời và kiến thức nào chỉ thoáng qua. Trong số đó, em nhận thấy có nhiều kiến thức phải học thuộc lòng, học vẹt, trả bài và viết vào giấy qua các kỳ thi. “Điều mà HS chúng em quan tâm là làm sao để ngưng tình trạng HS phải học nhiều quá, nếu không HS làm sao có thể suy nghĩ thoáng được?”, Tường bày tỏ. Bên cạnh đó, em cũng đề cập tới nỗi sợ thứ hai của HS là sợ… bạo lực học đường, đó là những vụ việc đánh nhau do sự thiếu hiểu biết hoặc do phút bốc đồng của HS.
Trước vấn đề “nhìn đâu cũng thấy bạo lực” mà HS này nêu lên, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM hỏi ngược lại: “Ở trường em có hay xảy ra các vụ việc đánh nhau hay không?” thì câu trả lời em này đưa ra là không có và mọi thông tin em có được là qua một số kênh thông tin và chủ yếu là… nghe người khác nói. Ông Chương khẳng định, vấn đề bạo lực trong HS TP.HCM hiện nay rất ít khi xảy ra do có sự giáo dục và quản lý tốt từ nhà trường. Đôi khi, những thông tin mà các em có được chỉ là nghe phong thanh từ chỗ nọ, chỗ kia rồi đưa ra kết luận theo kiểu… “phong trào” mà không có sự phân tích, nhận định có cơ sở nào. “Thấy bạn mình nói bạo lực học đường nhiều, các em cũng cho thế là đúng. Bạn mình nói chương trình học nặng, các em cũng than chương trình học nặng rồi đòi cắt giảm chương trình. Thật ra, chương trình giáo dục Việt Nam được xây dựng theo tính kế thừa và có tham khảo chương trình từ các quốc gia khác. Nhìn tổng thể, 70-80% chương trình học của nước ta tương đồng với các quốc gia trên thế giới. Có khác chăng là chương trình của họ đổi mới nhanh, ứng dụng nhiều cái mới vào việc giảng dạy và việc học của HS mang tính tích cực, chủ động hơn. Nếu chương trình học bị cắt giảm xuống theo như nguyện vọng của HS và phụ huynh thì chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu cũng như lượng kiến thức cần có so với các quốc gia trên thế giới. Việc các em được học điện cũng là một kỹ năng để ứng phó với các tình huống trong cuộc sống khi tiếp xúc với các thiết bị điện”, ông Nguyễn Hoài Chương nói. Về vấn đề học sinh đi học thêm nhiều là để làm quen với nhiều dạng bài tập giúp cho việc thi ĐH dễ dàng hơn chứ không có nghĩa là người đó giỏi hơn. Muốn trở thành HS giỏi, không có cách nào khác là HS phải tự học, tích cực trong mọi hoạt động học tập.
Công tác Đoàn phải chủ động
Tại buổi đối thoại, một số ý kiến HS cho rằng công tác Đoàn hiện nay trong nhà trường chưa được chú trọng, thầy cô chưa tạo điều kiện cho HS tham gia vì cho rằng việc học quan trọng hơn. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng các phong trào đoàn thể trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc định hướng nghề nghiệp cho HS ở một số trường chưa thực sự được HS hưởng ứng, nhiều HS lúc đăng ký hồ sơ thi ĐH, CĐ còn chưa biết mình nên hay không nên thi ngành nào, trường nào. “Em thấy rất nhiều anh chị đăng ký ngành nghề theo ý thích của gia đình, theo xu hướng không có sự định hướng cụ thể cho bản thân. Có chị học lớp 12 nhưng vẫn chưa chọn được ngành học cho mình sau này. Chúng em cần có những buổi đối thoại như thế này để nói về chủ đề hướng nghiệp”, Nguyễn Lê Ngọc Khanh (Trường THPT Phú Hòa) thật thà nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, công tác Đoàn Thanh niên trong trường học cần được nhà trường quan tâm đúng mức để tạo điều kiện cho HS sinh hoạt và rèn luyện. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao hơn nữa để các trường tạo điều kiện tốt hơn cho HS khi tham gia công tác này. Tuy nhiên, một cán bộ Đoàn năng động phải biết kết hợp hài hòa, sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo tốt việc học tập và công tác Đoàn. “Đoàn trường cũng có thể tự tổ chức các buổi đối thoại, tìm hiểu thông tin hướng nghiệp để giúp các đoàn viên nắm vững hơn các ngành nghề. Công tác Đoàn là phải chủ động, tích cực, hoạt động có sự định hướng và tinh thần tập thể”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)