Trăn trở trước thực trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, cùng với đó là nạn ô nhiễm môi trường tại các sông rạch, một nhóm học sinh khối 9 Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã chung sức xây dựng những ý tưởng đầy sáng tạo.
Hướng tới tính thực thi, các giải pháp trong đề tài được học sinh đưa ra đều hết sức gần gũi, không cầu kỳ. Không chỉ giải quyết bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, đề tài còn mở ra tính giải pháp cho nhà quản lý, hoạch định chính sách trước các vấn đề nóng bỏng này.
Xử lý rác trên sông rạch
Tác giả đề tài trao đổi với người dân để tìm hiểu về ô nhiễm rác thải
“Thùng rác nổi trên sông” là sáng kiến của đôi bạn Lê Thị Mai Trâm (lớp 9/4) và Lê Thị Huỳnh Như (lớp 9/2) giúp thu gom rác trên sông rạch dễ dàng, từ đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân trong việc xả rác bừa bãi.
Thùng rác nổi đặt trên sông có cấu tạo đơn giản, bao gồm một xô inox có vai trò đựng lưới chứa rác, 1 máy bơm công suất 220V hút rác vào lưới, 1 phao khối tròn giúp cân bằng áp suất trong và ngoài máy bơm, 1 cảm biến cảnh báo khi rác trong lưới đầy và phát tín hiệu về trung tâm, 1 GPS giúp định vị vị trí của thùng rác. Đi kèm với thùng rác nổi là 1 gậy thu gom rác có thể kéo dài đến 20m để thu gom rác ở vị trí xa bờ.
Nói về ý tưởng, đôi bạn cho biết xuất phát hoàn toàn từ thực tế khi hàng ngày đi học ngang qua những “con rạch ngập rác” đen ngòm, chứng kiến cảnh người dân hồn nhiên xả rác xuống sông rạch… “Đỉnh điểm là khi xem qua một đoạn clip chia sẻ trên mạng xã hội về công việc đầy vất vả, nguy hiểm của các chú công nhân vệ sinh đô thị, chúng em đã thật sự bị ám ảnh đến mức gần như là “sốc”. Không thể tưởng tượng được khối lượng rác xả thẳng xuống cống, rãnh lại lớn đến vậy, gây bít dòng chảy và cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng, tiềm ẩn căn bệnh sốt xuất huyết”, Huỳnh Như cho hay.
Mai Trâm cho biết muốn cải thiện tình trạng ngập úng, ô nhiễm nguồn nước tại các sông rạch, trước hết phải cải thiện được ý thức của người dân. Làm sao để người dân nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc xả rác bừa bãi từ đó tự nâng cao ý thức của bản thân, gia đình. Để hiểu hơn về ý thức người dân trong việc giữ gìn môi trường sống, đôi bạn đã dành 2 buổi thực địa ở những khu dân cư cạnh các con sông rạch ô nhiễm. Đôi bạn cho biết khi khảo sát tại các dãy nhà trọ quanh kênh Bà Hom (Q.Bình Tân), người dân phản ánh tình trạng muỗi nhiều và mùi hôi đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt cũng như công việc làm ăn của họ. “Dù ai cũng kêu ca nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh chung thì lại rất kém, đặc biệt tại các khu nhà trọ. Thậm chí, trong quá trình khảo sát chúng em còn đôi lần bắt gặp cảnh người dân đứng trên cầu thẳng tay ném bịch rác xuống kênh. Mong muốn của người dân tại đây là có một công cụ có thể vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm tại sông rạch, vừa giúp họ nâng cao nhận thức của bản thân”, Huỳnh Như nhớ lại.
Chia sẻ về sáng kiến, đôi bạn cho biết “Thùng rác nổi trên sông” không phải là ý tưởng hoàn toàn mới bởi trước đó nước Nga đã có xe pin giảm thải ô nhiễm từ rác. Tuy nhiên, sản phẩm trên có hạn chế là không thể di chuyển, không định vị được vị trí rác. Với “Thùng rác nổi trên sông”, mọi tính năng đều tự động hóa, lại khắc phục được những điểm yếu trên. Đặc biệt, với giá thành rẻ, đôi bạn kỳ vọng sáng kiến sẽ sớm được đưa vào thực tế để phục vụ cộng đồng. “Hàng ngày, trung bình mỗi người thải ra 2kg rác. Chúng em hy vọng sản phẩm của mình có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm nguồn nước do rác thải gây ra, đồng thời nâng cao ý thức người dân”, Mai Trâm nói.
Giảm thiểu tai nạn từ hàng rào… lốp xe
Nhóm thực hiện đề tài với sản phẩm của mình
Trước tính thực tiễn cao, hai đề tài trên xuất sắc vượt qua nhiều “đối thủ” là sinh viên vào vòng chung kết cuộc thi Giao thông xanh 2018 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Kết quả, ý tưởng “Hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông” đoạt giải khuyến khích, còn sáng kiến “Thùng rác nổi trên sông” đoạt giải ba. |
“Hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông” là ý tưởng giúp hạn chế các vụ tai nạn giao thông do Dương Đức Mạnh (lớp 9/5), Lê Đức Anh (lớp 9/1) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (lớp 9/8) thực hiện. Điểm đặc biệt là sản phẩm làm hoàn toàn từ… lốp ô tô cũ, được cố định lại bằng những con ốc, gắn với nhau bằng các trục. Trục này giúp cho bánh xe có thể xoay được, hạn chế thiệt hại khi có va chạm. “Mỗi ngày đọc báo, điều nhức nhối nhất có lẽ là thông tin về các vụ tai nạn giao thông. Trong một lần lướt facebook, em thấy Hàn Quốc có sản phẩm rào chắn thông minh được làm từ nhựa cao cấp, có độ đàn hồi cao giúp giảm thiểu mức độ thiệt hại tai nạn. Em nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này nhưng cần phải thay đổi về vật liệu để giá thành phù hợp”, Đức Anh chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, ý tưởng làm hàng rào chắn từ lốp xe cũ đã ra đời. “Sử dụng lốp xe cũ vừa tận dụng được vật liệu tái chế, hạn chế ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo tính năng đàn hồi, nhất là chi phí ít. Chỉ có điều, độ bền và sức chịu nhiệt có thể không cao”, Thanh Huyền cho hay.
Dù vậy, để tìm ra được vật liệu thay thế cho hàng rào chắn, nhóm cũng tốn khá nhiều thời gian. “Hy vọng sản phẩm của nhóm có thể sớm được đưa vào thực tế thay thế những hàng rào kim loại hiện nay. Ngoài việc giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, sản phẩm còn truyền đi thông điệp về ý thức khi tham gia giao thông trong cộng đồng để bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình”, Thanh Huyền bày tỏ.
Là giáo viên hướng dẫn hai đề tài trên, cô Mai Thị Dung (giáo viên môn vật lý, Trường THCS Tân Tạo A) rất tự hào về các ý tưởng “đầy tính thực tế, thiết thực và sáng tạo” của học trò mình. Theo cô Dung, dù còn nhiều hạn chế xong các ý tưởng đã thể hiện được suy nghĩ của người trẻ, không hề làm ngơ trước những điều “nhức nhối” trong xã hội. “Các em đã rất nghiêm túc trong quá trình thực hiện, luôn suy nghĩ sao cho sản phẩm có tính thực thi cao nhất. Tôi hy vọng ý tưởng của học trò mình sẽ được các nhà khoa học quan tâm, cải tiến để sớm đưa vào thực tế”, cô Dung chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)