Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh, giáo viên hào hứng tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám ngay tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24-8, học sinh, giáo viên, phụ huynh TP.HCM đã hào hứng tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám ngay tại khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) thông qua Triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Ươm mầm khát vọng hiền tài”.

Lãnh đạo TP.Hà Nội và TP.HCM cắt băng khai mạc triển lãm Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) sáng 24-8

Hoạt động đầy ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM”, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/ 10-10-2024) do UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức.

Tham dự triển lãm, về phía TP.Hà Nội có ông Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội; ông Trần Thế Cương – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội; ông Vũ Đăng Định – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.

Về phía TP.HCM có ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; lãnh đạo UBND quận 3, Phòng GD-ĐT quận 3; ban giám hiệu, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn.

Lãnh đạo TP.Hà Nội và TP.HCM tham quan triển lãm

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội cho biết, triển lãm nhằm giới thiệu đến giáo viên, học sinh và người dân TP.HCM nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về Văn Miếu Quốc Tử Giám… với các hoạt động giáo dục di sản và những trải nghiệm thú vị.

Ông Hồng thông tin, Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cách đây gần 1.000 năm, đây là trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam, với mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, ngôi đền tri thức Văn Miếu Quốc Tử Giám được người dân Việt Nam gìn giữ, với tinh thần thành kính…

Đến nay, ngôi trường là nguồn di sản quý giá, tiếp tục là nguồn mạch chảy, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho lớp lớp thế hệ trẻ người Việt học tập suốt đời, tinh thần phụng sự xã hội, để mạch nguồn văn hóa Việt Nam được chảy mãi…

Học sinh TP.HCM tìm hiểu về nghệ thuật cho chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong triển lãm

Tham quan triển lãm, học sinh và giáo viên TP.HCM có cơ hội tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị như tô màu di sản, viết thư pháp, in mộc bản, hỏi đáp AI với Cụ Rùa… Đặc biệt, triển lãm cũng tái hiện sinh động cảnh “lều trõng” của các sĩ tử ngày xưa khi tham gia các kỳ thi tại Văn Miến Quốc Tử Giám.

Thích thú trải nghiệm các hoạt động tại triển lãm, Thu Hồng- học sinh lớp 5G, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn bày tỏ, các hoạt động trong triển lãm rất mới lạ, độc đáo, mang đến cảm giác “như được đặt chân đến Hà Nội, tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám”.

Trải nghiệm in mộc bản tại triển lãm

“Em chưa có cơ hội được ra Hà Nội, do vậy thông những hoạt động trong triển lãm giúp em hình dung rõ ràng hơn về một Thủ Đô Hà Nội với nhiều di sản văn hoá. Em sẽ cố gắng học tập để được ba mẹ đưa ra tham quan Thủ Đô Hà Nội…”- Thu Hồng chia sẻ.

Thầy Đinh Hữu Đắc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn đánh giá, triển lãm thực sự trở thành cầu nối đưa Thủ Đô Hà Nội gần hơn đến với giáo viên, học sinh và người dân TP.HCM. Ngay giữa lòng TP.HCM cũng có thể được tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hoá Thủ Đô. Hoạt động càng có ý nghĩa khi diễn ra trong những ngày tháng 8, cả nước hướng về kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công…

Hỏi đáp AI với Cụ Rùa

Theo thầy Đắc, sau triển lãm, những di sản, văn hoá trưng bày sẽ được Văn Miếu Quốc Tử Giám trao tặng cho nhà trường. Từ đó sẽ trở thành những di sản văn hoá chân thực, sinh động để nhà trường trong năm học sẽ tổ chức thêm đa dạng các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu và giáo dục về văn hoá, lịch sử cho học sinh; Hướng tới hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh như Chương trình GDPT 2018.

Khung cảnh lều chõng được tái hiện sinh động trong triển lãm

“Một điều rất đáng mừng là ngay trong Chương trình GDPT 2018 cũng có bài học về Văn Miếu Quốc Tử Giám. Như vậy, khi dạy về bài học này, thay vì phải cho học sinh trải nghiệm từ thực tế ảo, không gian 3D thì những di sản văn hoá này sẽ là mô hình trực quan cụ thể để nhà trường giáo dục học sinh, mở ra thêm các không gian học tập mới để các em tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất”- thầy Đinh Hữu Đắc phấn khởi.

Yến Hoa

Bình luận (0)