- 1 Học sinh háo hức xen lẫn hồi hộp khi được “sắm vai” giáo viên
Khoác trên mình bộ áo dài hay áo sơ mi thắt cà vạt, đứng trên bục giảng hóa thân thành giáo viên là trải nghiệm đầy thú vị của gần 200 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) trong chương trình “Một ngày làm giáo viên” do nhà trường tổ chức mới đây.

Trải nghiệm trên không chỉ góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh mà còn là hoạt động ý nghĩa để tôn vinh nghề giáo.
Sân chơi trải nghiệm hướng nghiệp
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết, năm nay hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” thu hút gần 200 học sinh ở 3 khối lớp tham gia. Chương trình là sân chơi trải nghiệm hướng nghiệp, tạo cơ hội để học sinh được trực tiếp tìm hiểu và trải nghiệm nghề giáo, để định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Đồng thời cũng qua trải nghiệm trực tiếp của bản thân, học sinh sẽ hiểu thêm về công việc của thầy cô mình, để thêm sự kính trọng đối với nghề giáo.
“Từ sáng sớm, các em học sinh hóa thân thành giáo viên, bước lên bục giảng với niềm háo hức xen lẫn hồi hộp. Những bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng, những ánh mắt chăm chú theo dõi, những lần ấp úng rồi tự tin lên tiếng – tất cả đã tạo nên một bầu không khí học tập đầy cảm xúc. Không chỉ truyền đạt kiến thức, các em còn hiểu được áp lực của nghề giáo, từ việc soạn bài, kiểm tra đến việc giữ trật tự lớp học. Chương trình không chỉ mang tính trải nghiệm mà còn đậm chất nhân văn. Khi đứng ở vị trí của thầy cô, các em nhận ra sự kiên nhẫn, sự tận tụy và tình yêu thương mà thầy cô dành cho học sinh. Trường học không chỉ là nơi tiếp thu kiến thức mà còn là một “ngôi nhà hạnh phúc”, nơi tình yêu thương lan tỏa và gắn kết. Nhiều học sinh chia sẻ rằng các em yêu thương, trân trọng thầy cô hơn”, thầy Phú chia sẻ.
Theo thầy Phú, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chương trình có hẳn nội dung mới là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, với thời lượng 3 tiết/tuần. Do đó, nhà trường có nhiều thuận lợi để thực hiện các hoạt động hướng nghiệp, việc đa dạng trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh là cần thiết, quan trọng.

“Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp không chỉ được nhà trường tổ chức trong môn học, qua các hoạt động đưa học sinh tiếp cận với chuyên gia hướng nghiệp, trải nghiệm ở các trường ĐH mà còn được giáo viên tổ chức gắn với các trải nghiệm trong môn học, hoạt động ngoại khóa. Chương trình “Một ngày làm giáo viên” là hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp được nhà trường thực hiện trong nhiều năm nay, được học sinh và phụ huynh rất đón nhận vì mang nhiều ý nghĩa trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh”, thầy Phú cho biết.
Hun đúc tình yêu nghề giáo cho học sinh
Nguyễn Anh Kiệt (học sinh lớp 10A2) cho biết, chương trình “Một ngày làm giáo viên” là một hoạt động trải nghiệm vô cùng đáng quý với em, bởi em có định hướng theo nghề giáo trong tương lai. Trong chương trình, Anh Kiệt là giáo viên dạy văn. Bằng những hoạt động trò chơi sôi động trong tiết học cũng như sự chuẩn bị chu đáo về giáo án, tiết dạy của Anh Kiệt được bạn bè trong lớp đón nhận.
“Để lên lớp chỉn chu nhất, em mất 1 tuần chuẩn bị giáo án. Em mượn giáo án của giáo viên bộ môn để tham khảo. Về phương pháp giảng dạy thì em học từ giáo viên, trong tiết học tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi để các bạn tham gia tìm hiểu bài, tạo giờ học sinh động, cuốn hút cuốn bạn. Em vui vì tiết dạy của mình được các bạn đón nhận nhiệt tình”, Anh Kiệt chia sẻ.
Theo Anh Kiệt, trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” giúp em có thêm những hình dung rõ ràng hơn về nghề giáo, hun đúc thêm trong em tình yêu với nghề giáo. “Khi đứng trên bục giảng, em đã rất xúc động. Qua trải nghiệm giúp em có thêm động lực để nỗ lực học tập, theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên dạy văn”, Anh Kiệt bày tỏ.
Cũng có ý định theo đuổi nghề giáo, Nguyễn Nhã Hân (học sinh lớp 11A5) đăng ký tham gia trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” với vai trò là giáo viên giáo dục quốc phòng. Qua hoạt động trải nghiệm này, Nhã Hân muốn tìm hiểu thêm về công việc của giáo viên, hiểu thêm về công sức mà thầy cô đã bỏ ra khi đứng lớp.
“Công việc của giáo viên rất vất vả nhưng cũng đầy vinh quang. Bài giảng của mình được học sinh đón nhận, lắng nghe, và hiểu bài là niềm vui của giáo viên. Muốn được như vậy, người giáo viên phải đầu tư nhiều công sức, bỏ ra nhiều chất xám… Qua hoạt động, em càng thấy bản thân yêu nghề giáo hơn, không chỉ kiên định với mục tiêu mình theo đuổi mà còn giúp em thêm hiểu về công việc của thầy cô. Đằng sau bài giảng là những nỗi vất vả thầm lặng của thầy cô”, Nhã Hân nói.
Từng tham gia trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” trong năm học lớp 10, năm nay Lưu Trương Mai Ngân (học sinh lớp 11A5) tiếp tục đăng ký trải nghiệm với vai trò giáo viên dạy văn.
“Bản thân em chưa có định hướng sẽ theo nghề giáo nhưng khi trải nghiệm công việc này, em thấy nghề giáo vô cùng thú vị. Mỗi bài giảng của giáo viên giúp học sinh mở ra những chân trời mới, khơi lên trong học sinh những niềm đam mê, yêu thích với môn học. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư nhiều. Để có 45 phút giảng trên lớp có khi phải mất vài ngày đầu tư…”, Mai Ngân nói.
Mai Ngân đánh giá chương trình “Một ngày làm giáo viên” là hoạt động trải nghiệm rất ý nghĩa, không chỉ với những học sinh có định hướng theo đuổi nghề giáo mà còn với cả những học sinh không có ý định theo nghề giáo.
“Chúng em hiểu hơn những vất vả của thầy cô mình trong mỗi giờ lên lớp, trân trọng và biết ơn hơn thầy cô”, Mai Ngân bày tỏ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)