Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh hiến kế các giải pháp học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Hóa giải bạo hành tinh thần học đường, xử lý rác thải tạo ra điện năng trong trường học… là những đề tài nghiên cứu thiết thực được học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) mang đến trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường mới đây.


Các đề tài nghiên cứu của học sinh có tính ứng dụng cao

Nhận thấy mỗi ngày đều có số lượng lớn rác thải giấy, vỏ hộp sữa được thải ra ở các lớp học, nhóm học sinh Cao Thị Tuyết Nhi và Nguyễn Phú Thịnh (lớp 11B08) đã thiết kế mô hình hệ thống xử lý khí thải và tạo ra điện năng từ rác thải sinh hoạt trong khuôn viên trường THPT Trần Phú. “Mô hình được thiết kế gồm 4 phần: Cửa bên bỏ rác, cửa trước duy trì sự cháy, hệ thống xử lý khí thải bằng nước vôi trong, phần tạo ra điện năng. Khí đốt ra là C02, khi tiếp xúc với nước vôi trong sẽ được lọc khí độc trước khi thải ra ngoài. Khi đốt cháy sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa 2 khối khí, chuyển hóa nhiệt năng thành cơ năng và chuyển thành điện năng. Phần điện năng này thể giúp chiếu sáng vận hành các thiết bị tại trường…” – nhóm đề tài chia sẻ.

Với mô hình, nhóm mong muốn nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường của mỗi học sinh, đồng thời có thể áp dụng ngay trong trường để tái chế rác thải, tạo ra điện năng phục vụ cho hoạt động dạy và học.

Trước thực trạng bạo lực học đường nhức nhối hiện nay, nhóm học sinh Trần Gia Hân và Nguyễn Võ Ngọc Khánh (lớp 11B17) đã tiến hành nghiên cứu đề tài Nhận thức của học sinh THPT quận Tân Phú về hiện tượng bạo hành tinh thần học đường.


Mô hình xử lý rác thải tạo ra điện năng của học sinh

Nhóm cho biết, bạo hành tinh thần học đường là một hình thức của bạo lực học đường song diễn tiến âm thầm qua cử chỉ, lời nói, bằng các hình thức như đả kích trên mạng xã hội, cô lập khi người khác có sự khác biệt hoặc đơn giản là có sự nổi trội nào đó ở trường…

Nhóm đã tiến hành khảo sát về hiện tượng bạo hành tinh thần học đường ở các trường THPT trên địa bàn quận Tân Phú. Kết quả cho thấy, có trên 80% học sinh nhận thức rõ về bạo hành tinh thần; 71,4% việc bạo hành tinh thần xuất biện trên không gian mạng; 95,2% bạo hành tinh thần qua ngôn từ và hành động; 36,1% học sinh cho biết thường xuyên gặp bạo hành tinh thần học đường…

“Bạo hành tinh thần học đường có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: Mong muốn thể hiện bản thân của học sinh THPT; Sự phân hóa giữa các học sinh trong lớp, trong trường về các vật dụng hàng ngày… Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh được thể hiện, phát huy nhiều hơn về năng lực bản thân song cũng có thể gây ra sự ganh ghét giữa các học sinh. Bạo hành tinh thần học đường tác động mạnh mẽ về tâm lý, ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của học sinh” – Gia Hân chia sẻ.


Các đề tài đều hướng đến giải pháp nâng cao chất lượng học đường

Thông qua việc tuyên truyền trực tiếp, thiết kế trang fanpage, nhóm nghiên cứu mong muốn nâng cao hơn nữa nhận thức của học sinh THPT về bạo hành tinh thần học đường. Đồng thời, kiến nghị các trường THPT nên có bộ phận quản lý về không gian mạng để quản lý chặt hơn các trang confession của trường. Đa dạng hóa hoạt động chào cờ đầu tuần như diễn kịch, tiểu phẩm về đề tài này để nâng cao hơn nữa nhận thức của học sinh.

PGS.TS Lê Văn Cường – Trưởng khoa Công nghệ học, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đánh giá, những đề tài của học sinh đều xuất phát từ chính những vấn đề tồn tại xung quanh các em chứ không phải là những vấn đề lớn lao. Sân chơi nghiên cứu khoa học còn hình thành cho học sinh tính trung thực trong nghiên cứu, khơi gợi niềm đam mê, ý thức nghĩ đến cộng đồng.

“Việc các trường THPT tạo được sân chơi nghiên cứu khoa học cho học sinh sẽ hỗ trợ rất tốt cho các em khi lên đại học. Ở đại học, việc nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động chủ đạo. Vì thế, khi được làm quen ngay từ bậc THPT thì các em sẽ có sự chủ động. Một số bạn thậm chí đã tiếp tục theo đuổi các đề tài nghiên cứu của mình khi lên bậc đại học…”.

Theo thầy Nguyễn Đức Chính  – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, trước đây phong trào nghiên cứu khoa học học sinh trong nhà trường cũng có song chưa được bài bản. Năm học 2022-2023, toàn trường chỉ có 12 đề tài nghiên cứu.

“Nhà trường đã tổ chức hội thảo chia sẻ rút kinh nghiệm. Trong hội thảo, các giảng viên đại học trao đổi về hướng nghiên cứu, đã giúp thầy cô tự tin hơn rất nhiều, khuấy động phong trào nghiên cứu khoa học trong trường. Năm nay, số lượng đề tài nghiên cứu của học sinh tăng lên gấp 3 lần so với năm ngoái, ở vòng sơ khảo có đến 60 đề tài. Số lượng giáo viên tham gia hướng dẫn cũng tăng lên rất nhiều. Để đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo trong nhà trường, động viên thầy cô, trường đã trích từ nguồn kinh phí buổi 2 xây dựng chế độ cho thầy cô tham gia công tác này” – thầy Chính cho biết.

Yến Hoa

Bình luận (0)