Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh hiến kế xây dựng thành phố xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Hiến kế xây dựng thành phố xanh là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa được học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn Q.1 tự tin thể hiện trong Ngày hội học sinh trung học cơ sở với sáng tạo khoa học năm học 2021-2022, diễn ra sáng 3-6 tại Trường THCS Trần Văn Ơn.


Bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 thích thú trải nghiệm cùng học sinh trong ngày hội

Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh đã được hòa mình vào nhiều sân chơi ý nghĩa ở các trạm khác nhau: Trạm trưng bày dự án khoa học kỹ thuật với chủ đề “Thành phố xanh”; Trạm Khoa học xã hội với chủ đề “Làm bạn với sách”; Trạm Khoa học tự nhiên với chủ đề “Sắc màu cuộc sống”; Trạm Hướng tới tương lai; Trạm Cách mạng kỹ thuật số và cuộc sống.

Bên cạnh việc trưng bày sản phẩm của học sinh các trường trung học cơ sở như góc đọc sách, triển lãm các sản phẩm đọc của học sinh…, ở từng trạm lại mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, độc đáo cho học sinh: Thuyết trình sách, chế tạo kính vạn hoa, kính tầm vọng, vẽ túi vải, trang trí gốm sứ, làm các vật dụng từ các vật dụng tái chế, lắp ráp và lập trình robot…

Nguyễn Tuấn Hùng (học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) bày tỏ, Ngày hội đã mang đến cho bạn nhiều cảm xúc và những trải nghiệm thú vị. Với bạn, sau một năm học phải chịu nhiều biến động do dịch COVID-19, Ngày hội không chỉ tạo sân chơi cho học sinh mà còn là cơ hội để mỗi học sinh ứng dụng được nhiều kiến thức đã học vào cuộc sống, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích. “Em ấn tượng nhất với sân chơi lắp ráp và lập trình robot vì em được thỏa sức thể hiện năng khiếu của mình, tranh tài và học hỏi thêm ở bạn bè…”, Tuấn Hùng chia sẻ.


Nhiều trải nghiệm ấn tượng trong Ngày hội

Tại trạm thành phố xanh, nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh, hạn chế rác thải nhựa… đã được học sinh thẳng thắn đề cập.

Tự tin hiến kế xây dựng thành phố xanh, nhóm học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã mang đến ngày hội mô hình “Hệ thống thử nghiệm xử lý nước thải bằng năng lượng mặt trời”.

Trần Thị Ngọc Châu (lớp 8/3) – đại diện nhóm nghiên cứu phân tích, qua phương pháp chưng cất, nước thải được cho vào ống nghiệm A, dùng hệ thống kính hội tụ để tập trung năng lượng mặt trời, sau đó hơi nước được chưng cất qua ống nghiệm B và ngưng tụ tại ống nghiệm B – đây chính là nước sạch thu được từ chính nước thải. Làm sạch 20ml nước bẩn có thể thu được 16,5ml nước sạch, với hiệu suất đạt được là 82,5%.

Từ kết quả thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đánh giá, giải pháp sẽ mở ra thêm cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hướng đến bảo vệ môi trường…


Học sinh thích thú lắp ráp và lập trình robot

Thích thú trải nghiệm các hoạt động cùng học sinh trong ngày hội, bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 chia sẻ, ngày hội sáng tạo khoa học kỹ thuật là sân chơi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn Q.1 sau một năm học đặc biệt chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thông qua các trải nghiệm trong ngày hội, các em được ứng dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống, là cách để vừa học vừa chơi, biến các bài học trên lớp thành những trải nghiệm thực tế sinh động, bổ ích… Từ đó, hướng học sinh phát huy tính tích cực, năng động, rèn luyện các kỹ năng ứng xử, làm việc nhóm, hình thành phẩm chất, năng lực.

“Chương trình GDPT 2018 nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng, phẩm chất thông qua các chính các hoạt động trải nghiệm. Do vậy, ngày hội là cách để các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận cụ thể hóa hơn nữa mục tiêu của chương trình, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, các nhà trường, xây dựng văn hóa đọc trong các nhà trường. Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp…”, bà Lê Thị Bình nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)