Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh học để “khẳng định mình”

Tạp Chí Giáo Dục

Bao lâu nay chúng ta luôn hô hào rằng, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, thế nhưng thực tế việc lấy người học làm trung tâm trong môi trường giáo dục chưa làm được điều đó. Và điều đáng nói nhất là chưa tôn trọng tính cách, ý kiến và phát huy năng lực cá nhân của học sinh trong học tập cũng như trong các hoạt động ở trường học.

Học sinh đến trường cần được phát triển toàn diện: văn, thể, mỹ; mở rộng ra có nghĩa là học sinh cần được phát triển đầy đủ với các yếu tố: đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm, kỹ năng giao tiếp xã hội và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Muốn đạt được điều đó, vai trò của nhà trường, thầy cô góp phần rất quan trọng. Có nghĩa là dạy học sinh thực sự phải lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng ý kiến và sự khác biệt của cá nhân các em. Từ đó, học sinh sẽ tự khẳng định bản lĩnh của mình trong môi trường học tập và sẽ áp dụng ngoài xã hội.

Một học sinh khỏe mạnh đúng nghĩa không chỉ là cơ thể khỏe mạnh – cường tráng mà còn phải đáp ứng nhiều yếu tố khác: có tâm hồn trong sáng, năng lực vận dụng kiến thức sách vở vào thực tế, tự tin… Sự trưởng thành về mặt xã hội vô cùng quan trọng vì dù các em đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi thì đó cũng mới chỉ là kiến thức sách vở, chưa thể đánh giá các em giỏi về mặt xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh học rất giỏi nhưng chưa biết làm những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường, những học sinh giỏi ngoại ngữ nhưng khi gặp du khách nước ngoài thì không dám giao tiếp… Cho nên, dạy học cần hướng đến những điều thiết thực trong cuộc sống, áp dụng bằng việc thực hành cụ thể và hướng học sinh biết “khẳng định mình” ngoài xã hội; tôn trọng sự khác biệt và luôn lắng nghe ý kiến của học sinh. Một lớp học có hàng chục học sinh, đó là hàng chục cá thể khác nhau về nhiều mặt: hoàn cảnh gia đình, tính cách, sở thích, năng lực…, nên trong quá trình dạy học, thầy cô cũng cần quan tâm, tìm hiểu và chia sẻ trước sự khác biệt của mỗi em. Không thể áp dụng học sinh nào cũng như nhau.

Một điều tồn tại bao lâu nay trong dạy và học môn văn. Thực sự người dạy chưa tôn trọng và đề cao năng lực cảm thụ của học sinh. Các em đa phần cảm thụ tác phẩm văn học không phải cảm thụ của chính bản thân mình mà là cảm thụ của thầy cô. Thầy cô “truyền” cho học sinh với mục đích để các em đạt điểm cao chứ chưa thực sự “văn học là nhân học”. Mà học văn, điều đầu tiên và quan trọng nhất là học để làm người.

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Muốn người học thực sự được như vậy thì học sinh không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà còn phải biết một số nghề nào đó. Bởi vậy, việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, có thể ngay từ bậc THCS, nhất là bậc THPT.

Cuộc sống ngày càng phát triển, con người không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức để hòa nhập. Bên cạnh mỗi cá nhân tự khẳng định mình thì nhà trường, thầy cô cần quan tâm đến năng lực cá nhân. Giá trị ấy được hình thành trong quá trình học tập, sống và hoạt động ở cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Hoàng Thái Hùng
(Giáo viên Trường THPT
Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)