Với mục đích khơi gợi cho học sinh tinh thần yêu nước, gìn giữ và bảo vệ biển đảo quê hương, một số giáo viên và học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã phối hợp thực hiện dự án liên môn “Phía đông Tổ quốc ta”.
Nhóm thực hiện dự án tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa
Dự án được khởi xướng từ tháng 12-2019. Để thực hiện dự án này, các thành viên trong nhóm đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến. Theo cô Lê Thị Nga (Tổ trưởng Tổ địa lý, một trong những giáo viên hướng dẫn), nhóm thực hiện dự án chọn Đà Nẵng làm điểm đến vì đây là vùng biển đảo tiêu biểu, có quần đảo Hoàng Sa – một trong hai quần đảo xa bờ của Việt Nam thuộc quyền quản lý của Đà Nẵng. Ở đây còn có Nhà trưng bày Hoàng Sa – nơi ghi nhận chứng cứ lịch sử về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này. Là một gạch nối gắn kết thiêng liêng không gian văn hóa biển với chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa. “Quần đảo Hoàng Sa còn là máu thịt của người Việt Nam. Mỗi thế hệ người Việt đều hướng về Hoàng Sa, khắc ghi trong tim vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Việc cho học sinh đến đây giúp các em “mắt thấy tai nghe” về vùng đất này, cảm nhận được những gian nan, vất vả mà những người lính phải ngày đêm canh gác, bám biển để bảo vệ chủ quyền đất nước…”, cô Nga cho biết.
Hành trang của chuyến đi ngoài những kiến thức được học, tư trang cá nhân, học sinh còn chuẩn bị tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành các nhiệm vụ học tập được phân công. Em Tô Ngọc Thy Trâm (lớp 10A7) cho biết: “Với em, hoạt động thú vị nhất là được giao lưu cùng các chú bộ đội hải quân, ai cũng thân thiện, hiếu khách. Theo em, là người trẻ, chúng ta không chỉ học hành chăm chỉ, rèn luyện đạo đức, nhân cách để trở thành công dân tốt mà còn phải có trải nghiệm, tìm hiểu về biển, đảo quê hương, về cội nguồn dân tộc để sau này bước ra đời, mình tự tin và tự hào về đất nước khi giới thiệu với bạn bè quốc tế”.
Sau khi đến vùng đất này, học sinh vận dụng kiến thức về địa lý, lịch sử, sinh học, giáo dục quốc phòng để xây dựng một buổi Festival biển đảo nhằm quảng bá thông tin về hệ thống biển đảo Việt Nam, lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam; thực hiện một số sự kiện như trồng cây xanh phòng hộ ven biển, thu gom rác ở bờ biển nhằm kêu gọi giữ gìn bảo tồn môi trường biển, trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ… để sau khi trở về các em tổ chức buổi báo cáo dự án thông qua hình thức triển lãm; sân khấu hóa các tiết mục văn nghệ về biển đảo, thực hiện video lưu lại hành trình đến với biển đảo và quảng bá cảnh đẹp của đất nước…, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Là thành viên đồng hành cùng dự án trong những ngày đầu thực hiện, em Trần Gia Minh (lớp 11A5) chia sẻ: “Trước đây em chỉ nghe nói quần đảo Hoàng Sa qua sách vở, báo, đài. Trong chuyến đi vừa qua, em biết được nhiều thứ mà chỉ có đi đến nơi mới thấu hiểu được như: đời sống của người dân, của các chú bộ đội… có phần khó khăn, đối mặt với sóng to biển lớn nhưng trên gương mặt luôn hiện lên nét tươi vui, tự hào khiến chúng em rất trân trọng và ngưỡng mộ”.
Hiện nay, phương pháp giáo dục học sinh thông qua dự án không còn là chuyện xa lạ, tuy nhiên làm thế nào để dự án hay, đi vào thực tiễn lại là một vấn đề khác. Với dự án “Phía đông Tổ quốc ta” không đơn thuần là một hoạt động trải nghiệm, một chuyến du lịch đến vùng đất mới mà hay ở chỗ là giúp học sinh trưởng thành về mặt nhân cách. “Các em tự biết chăm sóc bản thân và giải quyết những vấn đề thực tế lúc xa rời vòng tay gia đình và phát triển các năng lực chuyên biệt chứ không phải là điểm số”, cô Nga khẳng định.
H.Trinh
Bình luận (0)