Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học sinh ít quan tâm khối ngành xã hội…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, sư phạm mầm non nhu cầu tuyển dụng rất cao.
Ngày 27-1, tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, “Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2013” do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Trường ĐH Bách khoa, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức tư vấn cho khoảng 30.000 học sinh THPT.
Ngày hội có gần 130 gian tư vấn của 78 trường ĐH, CĐ và TCCN, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại đây, học sinh ít đến tư vấn ở nhóm ngành khoa học xã hội, quân đội, công an, luật, y dược (chỉ khoảng 200-300 học sinh). Trong khi đó, các khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, tài chính-ngân hàng, thương mại được học sinh quan tâm nhiều hơn (mỗi gian hàng cả ngàn học sinh tham gia). Đặc biệt nhóm ngành dịch vụ, quản trị du lịch, khách sạn, nhà hàng… đang rất được học sinh quan tâm (vì dễ tìm việc làm khi đang học).
Trả lời câu hỏi ngành sư phạm mầm non, tiểu học sau khi tốt nghiệp có dễ xin việc làm hay không, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, nhu cầu giáo viên tiểu học, mầm non của TP là rất lớn. Sở GD&ĐT TP.HCM hằng năm đều có tuyển giáo viên và được thông báo công khai. Những người tốt nghiệp sư phạm đúng chuyên ngành tuyển dụng đều có thể nộp hồ sơ tuyển dụng, không phân biệt hộ khẩu ở tỉnh hay TP.HCM. Việc tuyển dụng sẽ qua nhiều vòng và sẽ xét trúng tuyển từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm mầm non, đòi hỏi người học phải yêu thương trẻ mới đảm đương nổi công việc. “Các bạn thử hình dung, chăm một, hai đứa cháu ở nhà trong vài giờ đồng hồ đã thấy mệt thế nào rồi. Nếu không yêu trẻ làm sao có thể chăm cùng lúc 20-30 cháu cả ngày” -TS Hạ chia sẻ.
Tại ngày hội, gian hàng trắc nghiệm kiến thức và trắc nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực và sở thích được học sinh quan tâm nhiều nhất. Học sinh có thể thao tác dễ dàng với hệ thống máy tính kết nối Internet để khám phá năng lực bản thân và chọn ngành nghề phù hợp.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khuyên học sinh không nên quan trọng việc học ngành nào, trường nào mà cần biết mình là ai, đang muốn làm gì với năng lực của mình. Nếu cảm thấy mình chọn ngành nghề sai, trong quá trình học có thể “rẽ” sang hướng khác, tìm lối đi mới phù hợp với bản thân bằng các khóa học ngắn hạn cũng sẽ có cơ hội tìm việc làm tốt.
theo Pháp Luật

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)