Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh khoe ảnh cưới

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi chơi facebook được mấy năm, danh sách bạn bè phần nhiều là học sinh. Nhiều đồng nghiệp không ủng hộ, họ bảo giáo viên không nên kết bạn với học sinh trên facebook, có những chia sẻ tế nhị mà học sinh thì không nên biết quá nhiều về giáo viên. Nhưng tôi không quan niệm như vậy, facebook của tôi tất cả đều có thể minh bạch với mọi đối tượng nên sẵn sàng để học sinh nhìn thấy. Trong khi tôi muốn biết nhiều về thế giới của học sinh. Con trai tôi cũng đang ở tuổi học trò nên tôi muốn thông qua học sinh của mình để hiểu hơn về tâm sinh lý của trẻ. Nhờ facebook mà tôi được nhìn thấy những hoạt động của học sinh mình, cả cũ lẫn mới. Các em chia sẻ những áp lực, những nguyện vọng, tôi căn cứ vào đó để điều chỉnh mình, với học sinh, đặc biệt là với con. Tôi luôn xử sự với học sinh trên facebook như một người bạn. Khi các em nhắn tin, hỏi han, tôi đều trả lời rốt ráo.

Nhưng mấy ngày gần đây, cảm giác của tôi mỗi lần lướt facebook là lo lắng và ít nhiều hoang mang. Những chia sẻ đó tôi không được quyền bình luận công khai trên trang cá nhân của học sinh, mà nếu bình luận thì không thể ghi khác những bình luận trước. Nào là đẹp quá, ganh tỵ quá, chúc mừng… Tôi không làm được như vậy. Dù là thế giới ảo, chỉ là xã giao, dù không ai – kể cả học sinh thân thiết – để ý thái độ này nhưng tôi dửng dưng, không xem, không like, càng không bình luận khi học sinh khoe ảnh cưới. Không phải một mà chỉ trong một tuần, hai nữ sinh mới học xong lớp 12 của tôi khoe những tấm ảnh cưới đẹp lung linh và nhận được rất nhiều like, rất nhiều lời chúc mừng. Tôi chỉ lướt qua và xem như mình chưa nhìn thấy gì, thú thực, tôi có cảm giác tiếc, tiếc lắm, hai em dễ thương, học giỏi, năng động, tôi đã nghĩ các em sẽ vào một trường ĐH nào đó chứ không phải lần lượt khoe ảnh cưới.

Những tấm ảnh cưới của học sinh gợi trong tôi những hồi ức buồn. Đã 15 năm nhưng tôi không bao giờ quên câu chuyện của cô học sinh cũ. Hồi đó, lúc mới về trường, tôi chủ nhiệm lớp 8A. Đang học thì em N. trong lớp bất ngờ nghỉ học. Tôi đến nhà vận động N. ra lớp thì gia đình cho biết em và cậu bạn cùng xóm bỏ xứ. Hai tháng sau thì tôi nhận được tin em lấy chồng. Bây giờ con em học cùng lớp với con trai tôi. Mới tháng trước, N. đến nhà nhờ tôi viết đơn ly hôn, tôi ngậm ngùi nói: Cô làm sao viết đơn ly hôn giùm học trò được? Em ấy khóc, nói chồng ngoại tình, đánh em mỗi ngày, tuyên bố đánh tới chừng nào em chịu viết đơn ly hôn mới thôi. Tôi bảo, vậy sao em không báo cho chính quyền chuyện em bị bạo lực. Còn đơn từ thì em tự viết chứ nhờ như vầy khó cho cô quá. Em ấy thành thật nói, em học chưa hết lớp 8 rồi làm vợ, bồng con. Nay tay em cứng đơ rồi, chữ nghĩa giờ “bò như cua”. Hôm bữa em có viết đơn đem ra Ủy ban xã nhưng chú cán bộ tư pháp nói đơn viết sai, biểu em về viết lại, nhưng em chịu…

Học sinh bây giờ không bỏ học lớp 8 mà mãn lớp 12 mới lên xe hoa. Nhưng học xong lớp 12 cũng chỉ là bắt đầu, đây là giai đoạn chuẩn bị hành trang để bước vào tương lai. Lấy chồng sớm làm gì hả các em? 18 tuổi, các em đã đủ quyền quyết định và chịu trách nhiệm với tương lai của mình nên cha mẹ, thầy cô cũng chỉ bày tỏ thái độ chứ không thể ngăn cản, cấm đoán được. Nhưng cô nghĩ, chắc không người lớn nào ủng hộ hoàn toàn đâu. Như cô đây, cảm giác bất an không thể tả nổi. Cô dù lạc quan hết cỡ cũng không hình dung được đời sống hôn nhân của những cặp vợ chồng “nhí” – xưa giờ được cha mẹ bảo bọc hoàn toàn, chưa có công ăn chuyện làm, chưa tích lũy được kinh nghiệm sống mà đời sống hôn nhân thì không hề đơn giản… Các em ơi, nhìn những tấm ảnh cưới đẹp như mơ, nhìn những nụ cười ngây thơ hạnh phúc của các em, cô lại thấy lo nhiều hơn mừng.

Nguyn Th Bích Nhàn
(Sông Hinh, Phú Yên)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)