Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý: Phòng tư vấn chỉ là hình thức?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong khi nhiều học sinh đang gặp vấn đề về tâm lý thì thực tế của công tác tư vấn tâm lý trong trường học là giáo viên trống tiết kiêm nhiệm, còn phòng tư vấn thì hình thức, chả mấy khi học sinh tìm đến.
Nhiều phụ huynh phải đưa con đến gặp chuyên gia để giải quyết các vấn đề tâm lý lứa tuổi học trò của con	 /// Nữ Vương
Nhiều phụ huynh phải đưa con đến gặp chuyên gia để giải quyết các vấn đề tâm lý lứa tuổi học trò của con. NỮ VƯƠNG
Giờ tư vấn chưa phù hợp, giáo viên kiêm nhiệm
Là trường mới xây dựng, có đầy đủ phòng chức năng nên Ban Giám hiệu Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã chọn đặt phòng tư vấn tâm lý ở vị trí khá kín đáo. Vậy mà chả có mấy học sinh (HS) tìm đến chia sẻ với giáo viên (GV) phụ trách.
Giờ đâu biết làm sao, ở trường thì không có giáo viên tâm lý học đường. Mình thương tụi nhỏ nên tìm hiểu để giúp đỡ cho tụi nhỏ. Mình có nói thì cũng theo trải nghiệm của mình, chứ đâu có chuyên môn gì để tư vấn sâu cho các em
MAI THỊ THIÊN LÝ (GV Trường THPT Bình Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, cho hay trường nào cũng có phòng và có người trực nhưng rất ít HS tư vấn, chủ yếu là hỏi đáp những thông tin đơn giản. GV tư vấn phải thực hiện ngoài giờ còn trong giờ thì HS không thể bỏ tiết để tham vấn.
“Tuy nhiên, nếu có cũng chỉ tranh thủ vài phút ra chơi nên thực ra hiệu quả cũng không cao. Thêm vào đó, dù trường bố trí phòng tâm lý ở vị trí khá kín đáo nhưng hầu như học trò không tìm đến vì ngại bạn bè nhìn thấy”, vị hiệu trưởng nói.
Không có trong đề án vị trí việc làm
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi trường phải có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng trong đề án vị trí việc làm thì chỉ có nhân viên tư vấn tâm lý phụ trách phòng chuyên môn. Do không trực tiếp đứng lớp, không phải là GV nên chỉ nhận lương nhân viên vào khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hầu hết nguồn nhân lực ngành tâm lý hiện nay đều trình độ cử nhân trở lên và nhu cầu công việc ở ngoài ngành giáo dục là rất lớn. Vì vậy, các trường hầu như không thể tuyển dụng nhân lực chuyên trách phòng tư vấn tâm lý.
Từ thực tế nêu trên, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, đề xuất cụ thể về vị trí việc làm và chế độ với đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong trường học. Theo ông Bình, đây chính là đội ngũ GV tư vấn tâm lý chứ không phải là nhân viên để có những đầu tư về chuyên môn và trách nhiệm chuyên trách trong công việc.
Bích Thanh

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), chủ trương tất cả GV đều cố gắng trở thành người tư vấn tâm lý cho học trò. Chỉ những ca đặc biệt thì chuyển qua ban tư vấn của trường.

“Phòng tư vấn chỉ là hình thức vì có phòng nhưng HS ngại vào và giờ giấc thì không hợp lý, nói chung là không hiệu quả và không thực tế. Cho nên trường tạo fanpage, thông báo số điện thoại của các GV tư vấn để HS và phụ huynh có thể liên hệ 24/24”, ông Phú thông tin.
Vì tư vấn tâm lý cho HS hiện nay chủ yếu là lực lượng GV kiêm nhiệm nên ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng do không có chuyên môn sâu, không được đào tạo bài bản để tư vấn cho đúng nên chưa thể giải quyết gốc của vấn đề.
Và do kiêm nhiệm nên GV chỉ làm một số buổi sau khi hoàn thành những tiết chính môn của mình. Vì vậy, khi HS có nhu cầu tức thời, có sự cố cần tư vấn thì có thể không kịp thời giải quyết.
Ngoài ra, ông Bình phân tích thêm, trung bình, mỗi trường có ít nhất 1.000 HS, có trường lên đến hơn 3.000 mà chỉ có 1 GV phụ trách mà lại còn kiêm nhiệm nên thực sự không đáp ứng được nhu cầu của HS.
Giáo viên tự nghiên cứu để tư vấn cho học sinh
Là dân tay ngang nhưng vì thương HS của mình nên nhiều GV tự mày mò đọc sách, lên mạng tìm hiểu để xem tâm lý tuổi HS, thậm chí tìm gặp các chuyên gia tâm lý để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Mong mỗi trường đều có chuyên gia tâm lý
Mỗi tháng một lần, anh L.T.T (kinh doanh tự do, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đều đưa con đến Khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để khám bệnh. Con trai anh T. đang học lớp 5 nhưng bị tăng động mức độ nhẹ. Anh kể khoảng năm lớp 1, con trai bỗng xuất hiện nhiều hành xử khác lạ, vào lớp không tập trung, không học thuộc bài trong thời gian dài. Có lúc do căng thẳng việc học, con trai anh liên tục đòi nhảy lầu để không phải đi học. Được GV thông báo, anh liền cho con đi kiểm tra và điều trị tâm lý thường xuyên. Đến nay tình trạng của con anh đã trở lại bình thường và có học lực khá ở lớp.
“Tôi cũng mong mỗi trường đều có chuyên gia tâm lý để nắm bắt tâm lý của các em. Vì nhà trường ngoài việc dạy chuyên môn ra còn dạy HS cách hành xử, đạo đức. Do đó, cần GV hiểu biết về tâm lý để phát hiện và xử lý tình huống trong lớp với những HS tăng động như con tôi”, anh T. nói.
Chị Trần Thị Bích T., GV mầm non ở Bình Dương, cho rằng hiện nay rất nhiều HS gặp vấn đề tâm lý. HS bị tự kỷ, tăng động ở mức độ nhẹ đều có ở mỗi lớp học. GV chủ nhiệm cần quan tâm theo dõi tâm lý sơ đẳng HS. Nếu có một chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp ở trường học sâu sát với HS thì rất tốt.
Phạm Hữu

Cô Mai Thị Thiên Lý, GV Trường THPT Bình Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), chia sẻ: “Giờ đâu biết làm sao, ở trường thì không có GV tâm lý học đường. Mình thương tụi nhỏ nên tìm hiểu để giúp đỡ cho tụi nhỏ. Mình có nói thì cũng theo trải nghiệm của mình, chứ đâu có chuyên môn gì để tư vấn sâu cho các em”. Cô Lý còn cho biết khi dạy giáo dục công dân cô tranh thủ lồng ghép giáo dục giới tính, bạo lực học đường… nhưng cũng không thấm vào đâu được.

Chính vì vậy nên mong ước lớn nhất của cô Lý hiện nay là có biên chế cho GV tâm lý ở các trường và có phòng tham vấn tâm lý học đường cho HS.
“Điện thoại thông minh đang tác động tâm lý HS quá nhiều. Ba mẹ suốt ngày đi làm, các em thì cắm đầu vào điện thoại, mà trên thế giới mạng đủ thứ trên đó rồi tác động đến tâm lý của các em. Mình không hiểu tại sao những cái cần thiết trong cuộc sống như kỹ năng sống, tâm lý tuổi mới lớn… lại không dạy cho các em. Thật sự ở các trường hiện nay rất cần một phòng tham vấn tâm lý, GV dạy tâm lý và thậm chí là một môn học về tâm lý học đường cho HS”, cô Lý gửi gắm.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, GV giáo dục công dân Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), mong mỏi: “Tâm lý học đường hiện nay là cực kỳ quan trọng. Những ca mình gặp là các em mình đã từng dạy, các em tin tưởng nên tìm đến mình. Nhưng đối với những lớp mình không dạy, các em gặp phải những vấn đề tâm lý và không biết tâm sự với ai thì chuyện gì sẽ xảy ra. HS bây giờ áp lực rất nhiều về việc học và thi cử, chưa nói là những thứ cám dỗ trên mạng xã hội, nhiều em vào học lớp 10 mới 2 tuần đã mang thai… Nên thật sự môi trường giáo dục mà không có phòng tham vấn tâm lý là một thiệt thòi cho HS”.
Theo Bích Thanh – Nữ Vương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)