Xe đưa rước học sinh Trường Tiểu học Phong Phú (huyện Bình Chánh). Ảnh: T.Hải
|
Nhồi nhét, kém an toàn và nhếch nhác, chặng đi dài. Đó là lý do mà xe đưa rước học sinh qua nhiều năm thực hiện, dù mang lại rất nhiều tiện ích nhưng học sinh lại ngày càng kém mặn mà.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM thì danh sách các trường tham gia loại hình xe đưa rước chủ yếu là các trường vùng ngoại ô, vùng ven thành phố. Còn các trường thuộc trung tâm chỉ chiếm một phần nhỏ. Và đó cũng là một trong những lý do khiến việc ùn tắc giao thông trước cổng trường trở nên trầm trọng hơn.
Đi xe đưa rước như đi xe đò
Năm học 2012-2013, Trường THCS Ngô Quyền (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) có 220 học sinh tham gia loại hình xe đưa rước, chiếm chưa đầy 10% so với sĩ số học sinh trong trường và giảm 7 học sinh so với năm học trước. Tổng cộng nhà trường đăng ký 20 lượt xe với 12 xe lượt đi cùng 8 xe lượt về. Thầy Nguyễn Thanh Sơn – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ rằng, học sinh tham gia loại hình xe đưa rước trong trường nhiều nhưng phần đông là con em công nhân lao động, cha mẹ không có thời gian để đưa rước các em. “Các em đa phần tập trung ở P.15, Q.Tân Bình, một phần ở Q.Bình Tân, huyện Bình Chánh. Chứ các em ở xung quanh phường 12 thì đều đi xe đạp hoặc có cha mẹ đưa rước”.
Mặc dù số tiền đóng hàng tháng của mỗi em cho loại hình xe đưa rước chỉ là 250 ngàn đồng, thế nhưng, theo thầy Nguyễn Thanh Sơn thì cũng không có nhiều em mong muốn tham gia thêm, nếu không phải vì nhà xa, đi lại khó khăn và cha mẹ không có điều kiện để đưa rước.
Thầy Tôn Thất Nhân Hiếu – Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám – cũng chia sẻ rằng, bộ phận học sinh trong trường sử dụng xe đưa đón thường vì nhà xa, hoặc gia đình không có điều kiện để đưa rước các em.
Em Hoàng Quân (học sinh lớp 8) Trường THCS Ngô Quyền đã có thâm niên 3 năm đi xe đưa đón, cho biết: “Đi xe sốc lắm, lúc nào em cũng bị nhồi nhét, đi xe đưa rước còn khổ hơn đi xe đò nữa. Nhà em ở xa, tận phường 15 mà cha mẹ bận làm không đưa rước được nên em mới đi xe đưa rước thôi”.
Chỉ tập trung ở các địa bàn xa
Số ghế ngồi trên mỗi xe đưa rước chỉ dao động từ 12-15 học sinh. Thế nhưng, nhiều tài xế xe đưa rước cũng thừa nhận, số lượng học sinh có thể dao động lên đến 20-25 em trên mỗi chuyến xe.
Báo cáo tổng kết tình hình vận chuyển học sinh năm học 2012- 2013 của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng với Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, trong tổng số 255 trường tham gia đưa rước thì chủ yếu tập trung ở các địa bàn xa như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh… còn các trường thuộc trung tâm thành phố – nơi cần nhất sử dụng loại hình này thì lại chưa đạt hiệu quả tốt. Đồng thời, trung tâm cũng nhận định các xe đưa rước vẫn còn cũ kỹ, vẫn tồn tại hàng chục xe sắp hết niên hạn sử dụng được sản xuất từ năm 1993.
Trường THCS Công lập Tân Bình (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) là một trong những trường có tình trạng ùn tắc trước cổng trường vào giờ đưa rước diễn ra phức tạp nhiều năm nay. Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng nhà trường – thầy Dương Tấn Phước cho biết: “Nhà trường không thể tổ chức xe đưa rước được vì số lượng học sinh quá ít. Trước kia phụ huynh còn đăng ký cho con em mình tham gia nhưng giờ thì ít lắm. Phần nhiều là tự đưa rước nên đã tắc lại càng tắc thêm”. Mặc dù nhà trường đã có những đợt phát động học sinh, phụ huynh tham gia loại hình này nhưng cũng không đạt hiệu quả.
Theo Sở GTVT TP.HCM thì năm học 2013-2014, có 14 doanh nghiệp tham gia xe đưa rước theo hình thức hợp đồng với khoảng 780 xe, có đóng góp của phụ huynh với mức trợ giá của UBND thành phố là 2.830 đồng/lượt/học sinh/ngày và 3.537 đồng/lượt/học sinh/ngày đối với địa bàn Cần Giờ. Đồng thời, Sở GTVT cũng nhận định là hiện tượng nhồi nhét, chạy ẩu trên xe đưa rước vẫn còn tồn tại dù nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thiết bị giám sát hành trình (GPS) trên xe. “Lái xe vẫn chưa thành thạo trong việc sử dụng công tác ON/OFF, gây khó khăn trong việc kiểm tra dữ liệu truyền về. Nhiều lái xe còn không sử dụng thiết bị giám sát trong hành trình của mình, thiết bị chỉ để làm cảnh nên vẫn còn nhiều bất cập đối với loại hình này…” – ông Phạm Đình Đức – Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết.
Yến Hoa
Theo ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM thì tình trạng ùn tắc trước cổng trường kéo dài và tiếp diễn triền miên một phần cũng do sự vắng mặt của xe đưa rước. Rất nhiều lợi ích từ loại hình này mang lại nhưng học sinh vẫn cứ chối từ. Vì nhiều điều hạn chế như môi trường xe chưa sạch sẽ, tính an toàn kém, tài xế chạy rất ẩu, nhiều tài xế còn kém thân thiện… |
Bình luận (0)