Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh không thích học thủ công, kỹ thuật: Lỗi tại ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Ở thành phố có khoảng 10% học sinh không thích học môn thủ công, kỹ thuật

Viện Khoa học giáo dục vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá tình hình dạy học môn thủ công, kỹ thuật ở tiểu học tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Kết quả này có nhiều bất ngờ và thú vị.

Hơn 50% cho rằng nuôi gà không phù hợp
Các nội dung của môn kỹ thuật được khảo sát gồm: cắt, khâu, thêu, trồng rau, trồng hoa, nuôi gà, nấu ăn và lắp ghép mô hình. Trong đó ý kiến của giáo viên cho thấy có tới 53,5% cho rằng nuôi gà không phù hợp và tỷ lệ này ở thêu là gần 39%. Có 22 sở GD-ĐT trên cả nước cho rằng nuôi gà không phù hợp với học sinh thành phố, thị trấn do không có điều kiện thực hành. Đồng thời cũng rất nhiều sở đưa ra ý kiến nội dung thêu không phù hợp với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh nam. Các sở đề xuất nên giảm nội dung này thay nội dung khác phù hợp hơn, có thể chuyển thành nội dung tự chọn. Đối với môn thủ công, 40,7% ý kiến cho rằng nội dung đan nan bằng giấy, bìa không phù hợp. Ngoài ra, nhiều sở cho biết bài xé, dán hình con gà ở lớp 1 học sinh khó xé toàn bộ các chi tiết của con gà.
Học sinh chán học: lỗi tại phụ huynh và giáo viên
Môn thủ công và môn kỹ thuật là môn học “bị” phụ huynh “kêu ca” nhiều nhất. Nhưng điều này thường chỉ xảy ra tại các thành phố lớn. Ngay cả học sinh thành phố cũng “ngán” 2 môn này hơn học sinh nông thôn.
Viện Khoa học giáo dục cho biết, ở lớp 2 chỉ có gần 90% học sinh thành phố thích học môn thủ công kỹ thuật, trong khi đó, ở nông thôn tỷ lệ này là hơn 98% và ở miền núi là hơn 97%. Lên đến lớp 5, tỷ lệ học sinh thành phố thích học hai môn phụ này cũng là thấp nhất, chỉ nhỉnh hơn 96%.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định bản thân môn học không có lỗi. Mục tiêu của hai môn học này để bước đầu học sinh biết được lao động đơn giản, đồng thời rèn luyện tính kiên trì, cẩn thận cho học sinh. Ông Thành cũng cho hay, học sinh tiểu học hiện nay “thiệt thòi” hơn học sinh ngày xưa vì không biết làm những cái đơn giản, không có “niềm vui” là làm được ra các sản phẩm đồ chơi cho mình như súng cao su, cù… Tại sao trẻ không thích học? – ông Thành đặt câu hỏi. Ông cho rằng, nhiều khi ở phía giáo viên. “Hình như giáo viên tiểu học của chúng ta dạy tiếng Việt, dạy toán giỏi hơn. Giáo viên dạy giỏi 2 môn thủ công, kỹ thuật không nhiều. Nó bị coi là môn phụ. Học sinh học toán, tiếng Việt để làm gì khi mà những kỹ năng lao động cần thiết lại không được học?” – ông Thành băn khoăn.
Học sinh chán học theo ông còn một phần bởi giáo viên đang làm cho môn học trở nên “nặng” hơn. Lẽ ra đây là môn học để học sinh được thư giãn thì ngược lại, họ phải chịu áp lực làm ra sản phẩm. Tuy nhiên, từ phía người dạy, giáo viên Mai Thanh Nhàn, Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Gò Vấp, TP.HCM cho rằng chính phụ huynh là người có “ảnh hưởng” không tốt tới việc trẻ học hai môn này. Cô Nhàn cho biết, ở các thành phố, cha mẹ thường cưng chiều con. Rất nhiều phụ huynh thay con làm các sản phẩm. “Họ thường bắt con học toán, tiếng Việt, còn những thứ khác họ làm giúp cho trẻ” – cô Nhàn nói. Cái khó của giáo viên dạy thủ công và kỹ thuật được cô Nhàn cho biết là phụ huynh ít hợp tác với giáo viên. Ngoài ra, theo cô Nhàn, một số nội dung môn học không phù hợp. Bộ cần xác định yếu tố vùng miền trong vấn đề này. Vì ở thành phố, học sinh không thể nuôi gà, trồng rau hay trồng hoa. Trước yêu cầu từ thực tế, ông Lê Tiến Thành cho biết, Bộ GD-ĐT không chủ trương viết lại SGK hay thay đổi chương trình. Nhưng cho phép các trường được điều chỉnh nội dung cho phù hợp, có thể bỏ nội dung này, tăng cường nội dung khác hoặc tăng nội dung tự chọn. Ngay cả việc phân bổ thời gian dài – ngắn thế nào Bộ cũng giao quyền “tự chủ” cho các trường.
Như vậy, việc học sinh thích hay không thích học môn thủ công, kỹ thuật một phần lỗi tại giáo viên và phụ huynh. Nhưng cũng không thể phủ nhận một phần lỗi tại chương trình chưa phù hợp, không có yếu tố vùng miền.
Sẽ điều chỉnh phù hợp
Bộ GD-ĐT hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo điều chỉnh nội dung dạy học môn thủ công, kỹ thuật ở tiểu học. Theo dự thảo này, nội dung của hai môn học này có nhiều thay đổi ở từng lớp học. Ví dụ: Đối với lớp 2, bài gấp máy bay đuôi rời: học sinh không gấp được máy bay đuôi rời sẽ thực hành gấp một sản phẩm tự chọn khác mà các em thích. Hay trong bài gấp, cắt, dán biển báo chỉ lối đi thuận chiều và biển báo cấm xe đi ngược chiều, học sinh sẽ còn chỉ gấp, cắt, dán biển báo giao thông cấm xe đi ngược chiều. Lớp 3: bỏ bài đan nong đôi. Lớp 4: chủ đề thêu sẽ được bỏ. Chủ đề trồng rau, hoa sẽ có 2 phương án cho địa phương lựa chọn: phương án 1: dạy học nội dung này như cũ, phương án 2: dạy học với nội dung được điều chỉnh. Lớp 5: bỏ nội dung thêu. Nội dung nuôi gà sẽ có 2 phương án: dạy hoặc bỏ tuỳ theo điều kiện của địa phương.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)