Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Học sinh lai bị bắt nạt ở Hàn Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

 Cảnh sát đang điều tra vụ án một học sinh 15 tuổi tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Nam Jeolla bị cáo buộc liên tục bắt nạt một học sinh Hàn Quốc mang dòng máu lai Việt Nam trong suốt nhiều tháng.

Học sinh Hàn Quốc mang dòng máu lai bị bạn học bắt nạt trong suốt nhiều tháng - Ảnh: gettyimagesbank
Học sinh Hàn Quốc mang dòng máu lai bị bạn học bắt nạt trong suốt nhiều tháng – Ảnh: gettyimagesbank

Sở Cảnh sát tỉnh Nam Jeolla hôm 10/6 cho biết, nạn nhân có mẹ là người Việt Nam, đã bị một học sinh khác bắt nạt kể từ tháng Giêng năm nay. Cả hai đều là cầu thủ đội bóng bầu dục của trường.

Nạn nhân cáo buộc người bắt nạt mình đã nhiều lần tấn công cậu bằng máy hút bụi trong ký túc xá của đội bóng bầu dục và chế nhạo giọng của mẹ nạn nhân bằng cách nhại giọng của cô trước mặt các học sinh khác của trường. Kẻ bắt nạt cũng trấn lột 50.000 won (45 USD) của nạn nhân bằng cách đe dọa sẽ tung tin mẹ cậu ta là người Việt Nam nếu cậu không chịu nộp tiền.

Trước đó, nạn nhân đã không khai báo vụ việc vì sợ cha mẹ sẽ lo lắng nhiều về cậu. Cậu sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cha mình, vì hiện tại ông đang phải điều trị căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối ở bệnh viện.

Sau khi nghe tin về vụ bắt nạt từ một phụ huynh khác, dì của nạn nhân đã trình báo với nhà trường và cảnh sát vào ngày 1/6.

"Chúng tôi đã tách nạn nhân khỏi kẻ tấn công, và văn phòng giáo dục khu vực đang lên kế hoạch mở một cuộc điều tra về vấn đề này", một quan chức của trường cho biết.

Mặc dù số lượng học sinh có nguồn gốc đa văn hóa đang tăng lên ở Hàn Quốc, nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, điều này thể hiện định kiến ​​lâu đời đối với những người có nguồn gốc lai trong xã hội Hàn Quốc.

Theo số liệu của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, năm 2020 có 147.378 học sinh là người lai Hàn Quốc trên cả nước, tăng gấp ba lần so với năm 2013. Trong khi đó, ba trong số 10 phụ huynh của những đứa trẻ lai cho biết con cái họ từng bị phân biệt đối xử, theo một cuộc khảo sát do Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia thực hiện tháng Tư vừa qua.

Tô Châu/PNO (theo Korea Times)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)