Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Học sinh lại đi xe gắn máy phân khối lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Một trường ở huyện Củ Chi học sinh vẫn còn đi xe gắn máy phân khối lớnm học mới đã trôi qua gần hai tháng, tình trạng học sinh lén lút đi xe gắn máy phân khối lớn lại tái diễn và ngày càng nhiều hơn. Tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố, sau giờ tan học vẫn còn nhiều em học sinh sử dụng xe gắn máy phân khối lớn.

Học sinh lắm chiêu…

Có rất nhiều lý do được viện ra để các em học sinh này đến trường bằng xe gắn máy phân khối lớn. Phần đông đều cho rằng là trong gia đình ai cũng phải đi làm cả ngày, không có thời gian để đưa đón các bạn đến trường, rồi nhiều bạn không đi được xe buýt vì bị say xe, hay nhà ở trên những đoạn đường không tiện đón xe buýt, đi xe buýt rất dễ muộn giờ học,… và cũng có nhiều suy nghĩ thẳng thắn rằng “tuổi của chúng em cũng có thể điều khiển được xe gắn máy rồi”… Nhưng nói gì thì nói, luật đã đưa ra thì phải có những cơ sở nhất định và bắt buộc mọi người phải chấp hành. Theo đó, Luật giao thông cũng quy định cấm những học sinh chưa đủ tuổi, không bằng lái sử dụng xe gắn máy phân khối lớn. Theo quy định, những trường hợp vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện trong 90 ngày không phân biệt sở hữu, những phương tiện vi phạm sẽ bị tạm giữ 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong những lỗi như chở quá số người cho phép, đi vào đường cấm, đường một chiều, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ… Nhưng trên thực tế, khi Luật giao thông càng rõ ràng, các lực lượng chức năng càng có nhiều biện pháp xử lí nghiêm khắc thì các bạn học sinh càng có nhiều chiêu luồn lách tránh né hơn thay vì là chấp hành luật một cách tự giác. Khi nhà trường cấm học sinh đưa xe gắn máy vào trường và thực hiện các hình thức như viết kiểm điểm, đình chỉ học tập, hạ bậc hạnh kiểm,… đối với các học sinh vi phạm thì các học sinh này “chấp hành” bằng cách là chọn các địa điểm gửi xe máy xung quanh trường học sau đó mới tản bộ đến trường, đến giờ tan lớp mới qua các địa điểm ấy để lấy xe về, vậy là tránh được tai mắt của nhà trường. Còn đối với các chốt cảnh sát giao thông thì các học sinh này tránh né bằng cách là khoác lên mình chiếc áo ngoài để che đi những bộ đồng phục học sinh nhằm đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông, hay khi qua các ngã tư có cảnh sát giao thông trực gác thì chạy chậm lại, len lỏi giữa dòng xe cộ sao cho không bị phát hiện một cách đầy kinh nghiệm và mỗi lần qua khỏi các trạm ấy thì lại rồ ga chạy thật nhanh… rồi nhiều trường hợp ngang nhiên chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm; đánh võng lạng lách, rú ga… Với muôn vàn lí do, nhiều bạn học sinh vẫn sử dụng xe gắn máy phân khối lớn như một phương tiện hữu hiệu nhất trên con đường tới trường mỗi ngày.

Cần có biện pháp mạnh hơn nữa…?

Có thể nói khi đề cập đến những nguyên do làm tái diễn nạn học sinh sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đến trường thì phải kể đến đầu tiên, đó là xuất phát từ sự nuông chiều, hay thiếu kiểm soát của các bậc phụ huynh, chính những điều này đã “tạo điều kiện” cho các em phạm luật. Giao xe máy cho con em mình đi học, liệu các bậc phụ huynh có thể tưởng tượng ra cảnh con em mình dùng nó để chở ba, chở bốn, hay phóng nhanh, vượt ẩu trên các tuyến đường. Vì thế mà nhiều trường hợp khi được gọi lên cơ quan công an vì có con em vi phạm thì nhiều vị phụ huynh mới té ngửa “không nghĩ là nó lại dám như thế”… Bên cạnh đó, tâm lý của tuổi học trò lại hay thích làm “người lớn”, tị nạnh với bạn bè cùng trang lứa khi bạn có xe đi học mà mình thì không. Nên cũng ra sức nài nỉ bố mẹ cho đi học bằng xe gắn máy để “bằng bạn bằng bè”. Điều này cũng nhanh chóng hình thành nên một phong trào đi xe gắn máy phân khối lớn trong giới học sinh. Thêm nữa, nhiều bãi giữ xe cũng mọc lên, nhiều tụ điểm giữ xe quanh trường học cũng sẵn sàng phục vụ cho những “tay lái nhí”, vì theo họ vẫn biết làm vậy là không đúng nhưng học sinh có nhu cầu gửi thì mình cứ nhận, vả lại cũng có thêm thu nhập, và “nếu mình không nhận, tụi nó dắt qua chỗ khác gửi cũng vậy thôi”… Hiện tượng này chỉ tạm lắng xuống khi các lực lượng chức năng nghiêm khắc xử lý nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, bác Nguyễn Văn Tài, tài xế xe ôm trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) cho hay, trong những ngày quy định cấm được thực hiện gắt gao thì một số học sinh chuyển sang đi xe ôm, một số khác thì đi xe buýt, xe đạp. Nhưng đó mới chỉ là động thái nghe ngóng ban đầu, được một vài hôm khi thấy tình hình có vẻ “ổn rồi” thì số học sinh đi xe máy lại gia tăng trở lại.

Còn trước mắt, để tình trạng trên được hạn chế thì cần lưu tâm hơn nữa đến sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình và các cơ quan chức năng, mà đặc biệt là trong việc rèn luyện các em nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng pháp luật.

Như Sương

Bình luận (0)