Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh làm gì trong trường nội trú?

Tạp Chí Giáo Dục

Có rất nhiều chuyện “bí ẩn” đằng sau bốn bức tường luôn đóng kín của các trường nội trú mà người ngoài, kể cả phụ huynh cũng khó có thể ngờ.

Từ phản ánh về nội quy ăn, học, ngủ tại trường A. (quận 3) của một học sinh đăng trên diễn đàn dành cho tuổi teen, chúng tôi đã thâm nhập nơi ăn chốn ở tại một số trường nội trú ở TP.HCM để tìm hiểu hư thực.
Khu vực chơi thể thao của học sinh trường N. là bãi sân ngập nước
Những nội quy lạ lùng
Vài giờ sau khi học sinh Nguyễn T. V. (trường A) phản ánh trên diễn đàn nội quy ở trường này “nếu mang dép trong lớp sẽ bị lập biên bản, mời phụ huynh đến. Đi vệ sinh nhiều bị gọi điện thoại về nhà méc. Ăn sáng chậm không lên lớp trước bảy giờ, lần đầu sẽ bị mời phụ huynh, lần nữa sẽ không cho học…”, nhiều học sinh và cựu học sinh của trường này đã nhảy vào phản ánh thêm. Một học sinh cho biết: “Điện thoại để trong túi quần, thầy cô lấy và giữ tới hết học kỳ. Đi thang máy phải có sự cho phép của chú bảo vệ. Mặc đồ thể dục chơi basketball phải đóng thùng, khi chơi xong phải lên lớp liền không được đi vệ sinh (vì sẽ trễ học). Đi vệ sinh phải xếp hàng. Xin nghỉ phép về giữa giờ, hoặc nghỉ học phải gửi đơn trước một ngày, nghĩa là phải dự đoán bệnh của mình trước một ngày…”
Tại trường V. (quận Tân Bình, TP.HCM), vi phạm một trong những lỗi như: dậy trễ, đi học không đúng giờ, gây gỗ đánh nhau… học sinh sẽ bị phạt không được rời khỏi trường vào cuối tuần, không được gọi điện thoại ra ngoài. Ngoài ra, nhiều trường còn quy định học sinh không được mang máy tính cá nhân, máy chụp hình, điện thoại di động vào trường. Nếu em nào mang vào mà bị phát hiện trường sẽ thu giữ một năm. Nguyễn Q. A., học sinh lớp 12 trường N. (Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Thời gian biểu một ngày của tụi em gần như kín với lịch học. Đến tối lại phải lên lớp học đến 22h30. Thời gian để vui chơi gần như không có”. Một ngày của học sinh ở trường này chỉ luẩn quẩn trong khu nội trú. Với các nam sinh, trò chơi ưa thích đó là bóng đá, còn nữ sinh chỉ biết đọc báo, coi tivi… Vì không chịu được “kỷ luật thép” của trường, nhiều học sinh đã “cầu cứu” gia đình xin được nghỉ học về nhà hoặc chuyển qua trường mới.
Cơ sở vật chất khác xa quảng cáo
Cơ sở 3A của trường N. (Tân Bình) được chia làm ba khu nội trú: khu nội trú nữ, khu T17 dành cho nam sinh lớp 12 và T15 dành cho học sinh các khối còn lại. Cơ sở này có gần 2.000 học sinh nội trú. Thâm nhập vào khu vực vệ sinh T15, chúng tôi thấy nhà tắm của các nam sinh là các dãy bể nước. Các học sinh tắm chung ở đây, sau đó vào nhà vệ sinh thay đồ. Nhà vệ sinh dành cho học sinh nam của cơ sở 3A cũng được thiết kế khá “đặc biệt”. Cửa của nhà vệ sinh chỉ là một tấm riđô. Vì vậy, chỉ cần người ở ngoài kéo “cánh cửa” này qua là người bên trong sẽ bị thấy “toàn bộ”. Một quản nhiệm khu nội trú T15 cho biết, khu vực nhà vệ sinh trước đây là nhà ở thuộc quân đội quản lý, sau khi trường thuê mặt bằng đã trưng dụng, sửa sang làm thành nhà vệ sinh cho học sinh. Nguyễn Văn H., học sinh lớp 11 của trường N. bộc bạch: “Những ngày đầu mới vào trường, tụi em thấy rất ngại mỗi khi đi vệ sinh bởi nhà vệ sinh chỉ có rèm mà không có cửa. Khi tắm cứ phải canh chừng có ai phá mình không”. H. còn cho biết, do trần nhà của khu nội trú lợp bằng mái tôn, các phòng lại thiết kế kín nên buổi trưa rất nóng. Phòng của H. có 50 học sinh nhưng diện tích chỉ khoảng trên dưới 40m2. Hệ thống giường tầng đặt sát nhau gần như choán hết không gian của phòng nên dù bật quạt hết cỡ, các học sinh cũng luôn cảm thấy nóng nực.
Còn ở trường THPT tư thục Q. (quận Bình Thạnh), tuy giới thiệu trên website nhà trường về khu nội trú thoáng mát, tiện nghi nhưng tại một cơ sở của trường trú đóng tại phường 13 (quận Bình Thạnh), chúng tôi ghi nhận khu vực nhà tắm nam, mặc dù đã bị báo chí phản ánh nhưng không hề được che chắn kín đáo.
Tìm đỏ con mắt ở trường Q., trường N. chúng tôi cũng không thấy đâu phòng chức năng để học sinh có thể sinh hoạt câu lạc bộ, chơi thể thao như quảng cáo của các trường trên mạng.
bài và ảnh Trung Dũng (SGTT)
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, nguyên phó ban nghiên cứu tâm lý và giáo dục, viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM:
Học sinh nội trú dễ bị stress
Cái lợi của học nội trú là việc quản lý học sinh được kiểm soát chặt chẽ, học sinh không thể giao du với những thành phần xấu, hay các tệ nạn như chơi game, hút chích, đua xe… Đổi lại, học sinh cũng chịu nhiều hệ luỵ không tốt.
Trong một khuôn viên hẹp, học sinh phải chịu cảnh sáng học, chiều học, tối học sau đó lại trở về với phòng nội trú dưới sự quản lý khắt khe của giáo viên quản nhiệm, bạn bè cũng chỉ là những học sinh sống nội trú thì làm sao tâm lý các em phát triển bình thường được? Chưa kể các em bị thiếu tình cảm gia đình. Những vấn đề quan tâm của các em sẽ không có sự chia sẻ, động viên tinh thần kịp thời của cha mẹ, người thân nên rất dễ dẫn đến stress, căng thẳng, làm bậy. Các em bị kìm kẹp trong những quy định khắt khe thì chưa chắc tốt bằng khi được cho quyền tự giác. Nếu học sinh không có tinh thần tự giác mà đưa các em vào nề nếp bằng hình thức ép buộc, các em sẽ luôn ức chế. Một số trường nội trú hiện thiếu những hoạt động ngoại khoá hoặc làm không thường xuyên, trong khi khuôn viên trường lại hẹp nên làm các em dễ có tâm lý bị tù túng. Với các em đang tuổi mới lớn, nếu không có sự “cách ly” ở những khu vực sinh hoạt riêng tư như nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng ngủ… giữa học sinh nam và nữ sẽ dẫn đến phát triển sinh lý và hành vi sinh lý không đúng. Các em khi ra đời, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ xã hội hơn.
 

Bình luận (0)