“Hơn 75% các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch. Việt Nam cũng là nước nằm trong vùng ảnh hưởng. Trong khi đó, học sinh chưa thật sự biết quý trọng nguồn nước, chưa biết sử dụng tiết kiệm nước”, đó là lý do cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc và 20 học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học Hồng Đức (Q.8) xây dựng dự án “Em yêu nước sạch”.
Học sinh hứng thú thực hiện dự án “Em yêu nước sạch” |
Như một hồi chuông gióng lên báo động, dự án “Em yêu nước sạch” không chỉ giáo dục học sinh hiểu biết tầm quan trọng của nguồn nước sạch, hình thành nên những kỹ năng bảo vệ và tiết kiệm khi sử dụng nước mà còn lan tỏa những kỹ năng đến toàn cộng đồng, thay đổi thói quen sử dụng nước.
Những lời nhắc nhở nho nhỏ
“Ở mỗi lứa tuổi sẽ có những cách riêng để lên tiếng. Đối với học sinh tiểu học, đó là việc giúp các em nhận biết được mức độ ô nhiễm của nguồn nước hiện nay, vai trò của các nguồn nước tự nhiên trong chính cuộc sống của các em. Chính các em sẽ tự lên tiếng, tự nói cho bạn bè của mình ý thức bảo vệ và sử dụng nước sao cho đúng cách”, cô Hồng Ngọc chia sẻ.
Học sinh tham gia dự án được chia làm 5 nhóm, với những vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Các em lần đầu tiên được làm quen với nhiều nghề nghiệp như chuyên viên phòng tài nguyên – môi trường; thanh tra phòng tài nguyên – môi trường; giáo viên; họa sĩ… “Phải nói là cực kỳ hào hứng. Dù mới chỉ làm quen nhưng không em nào cảm thấy bỡ ngỡ. Nhóm 1, 2 các em có vai trò là nhân viên phòng tài nguyên môi trường, tìm hiểu về những nguồn nước trong tự nhiên, nắm được các chu trình của nước. Nhóm họa sĩ sẽ vẽ những bức tranh về tác động của con người đến môi trường nước và thực hiện báo cáo về vai trò của nguồn nước đối với đời sống con người. Đối với nhóm thanh tra phòng tài nguyên môi trường, các em lại phải dựng lên những tình huống vi phạm nguồn nước để nhắc nhở. Hướng dẫn rửa tay đúng cách và thực hành tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước đến học sinh toàn trường là nhiệm vụ của nhóm giáo viên”, cô Hồng Ngọc chia sẻ thêm.
Đặc biệt, trong nhóm 2, khi phân tích về vòng tuần hoàn nước, nắm được các chu trình của nguồn nước, học sinh sẽ tự thiết kế mô hình lọc nước mi ni bằng cát, sỏi, đá, than hoạt tính. “Những nguyên liệu đó sẽ được xếp lớp để đảm bảo có thể lọc một cách sạch nhất. Chúng em tận dụng cả những chai lọ để làm bình lọc nước. Nước bẩn, nước tái sử dụng, sau khi lọc thì có thể được dùng trong sinh hoạt”, Lê Hoàng Yến (lớp 5/3) cho biết.
Trong khi đó, với vai trò thanh tra phòng tài nguyên môi trường, không chỉ đưa ra những tình huống “giả định”, các em còn vươn “cánh tay thanh tra” của mình để giám sát chính bạn bè trong trường. “Nhiều bạn còn thiếu ý thức về tiết kiệm nước khi rửa tay xong không khóa vòi, xả rác vào bồn nước. Chúng em sẽ đứng tại khu vệ sinh mỗi đầu giờ vào lớp và giờ ra chơi để kịp thời nhỏ to nhắc nhở các bạn khóa vòi, vớt rác”, Lê Bảo Tùng (nhóm trưởng nhóm thanh tra) bật mí.
Lan tỏa ý nghĩa lớn
“Em yêu nước sạch” được thực hiện trong khoảng thời gian hơn 2 tháng, đến nay dự án vẫn đang “âm ỉ” lan rộng ra khắp toàn trường. “Các em đã có sự chuyển biến rất tích cực. Không còn cảnh nước róc rách chảy tại các vòi vào giờ ra chơi. Những hình ảnh vỏ bánh kẹo nổi trên bồn rửa cũng đã rất hạn chế”, cô Hồng Ngọc đánh giá.
Theo dõi con mình tham gia dự án, phụ huynh Nguyễn Thị Vẹn chia sẻ rằng chị thật sự ấn tượng với những gì mà con và các bạn làm được. Đây là dự án hết sức thiết thực, gần gũi, gắn liền với vấn đề thực tế xung quanh. Con tôi thường xuyên nhắc nhở cha mẹ phải biết tiết kiệm nước, không lãng phí từ việc sinh hoạt hàng ngày… “Không thể nói là thay đổi được hoàn toàn thói quen của học sinh trong một sớm một chiều được. Nhưng mỗi ngày, mỗi ngày, các em sẽ tự điều chỉnh hành vi của bản thân, biết quý trọng nguồn nước sạch. Và đặc biệt nhất, dự án đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận của rất nhiều phụ huynh”, thầy Lý Hoài Nghĩa (Hiệu trưởng nhà trường) nhận định.
Một trong những điểm nhấn của dự án phải kể đến “báo cáo ô nhiễm azen (thạch tín) trong nguồn nước” được thực hiện bởi nhóm thanh tra phòng tài nguyên môi trường. Trong báo cáo, các em đã đưa ra những thông tin đắt giá về mức độ bội nhiễm azen rất cao tại các khu vực Việt Trì, Sơn La do đất chứa nhiều sắt. Đồng thời, lên tiếng cảnh báo người dân tự ý khoan và lắp giếng không đúng kỹ thuật tại những vùng đất này sẽ làm gia tăng thêm tình trạng nhiễm azen trong nước. “Nếu sử dụng nguồn nước có chứa azen trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hệ lụy bệnh tật về viêm da, đường tiêu hóa như ngứa, tiêu chảy, nổi ban đỏ, viêm nhiều dây thần kinh, rụng tóc, thậm chí là đe dọa tính mạng”, em Lê Bảo Tùng chia sẻ. Theo Bảo Tùng, biện pháp để khắc phục nguồn nước chứa azen tại những vùng bị nhiễm là nước sinh hoạt phải đảm bảo được lọc sạch.
Đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu, cô Huỳnh Mẫn Bình (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, dự án mong muốn tạo ra một sân chơi về nghiên cứu khoa học, giáo dục học sinh những bài học về nước. Trong đó lan tỏa thông điệp về bảo vệ nguồn nước đến cộng đồng: nước là một món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng, chúng ta phải biết trân trọng và giữ gìn.
Q.Long
Bình luận (0)