Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh “Lớn lên cùng sách” qua những mô hình sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Thiết kế mô hình, làm sách nói, vẽ tranh, sáng tác nhạc… là cách đọc sách đầy thú vị của học sinh các trường THCS quận Tân Bình trong cuộc thi “Lớn lên cùng sách” năm học 2023-2024.


Học sinh chọn sách đọc và thiết kế sản phẩm sáng tạo thể hiện cuốn sách

Sáng ngày 6-3, 52 học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình đã tham dự hội thi “Lớn lên cùng sách” cấp quận năm học 2023-2024.

Dù vẫn lấy sách làm “điểm tựa” song điểm mới của hội thi năm nay là từ một cuốn sách được lựa chọn đọc tại hội thi, mỗi học sinh sẽ bằng sự sáng tạo của mình truyền tải nội dung, thông điệp cuốn sách thông qua một sản phẩm. Các sản phẩm sáng tạo có thể sáng tác truyện, thơ, bài hát; làm thiệp; thiết kế quyển sách mini; vẽ tranh; vẽ biểu tượng; xé giấy dán tranh; kết nối với tài liệu, văn bản khác để viết bài văn nghị luận xã hội…

Trước khi bắt tay vào thiết kế sản phẩm sáng tạo, học sinh sẽ có thời gian 60 phút lựa chọn và đọc cuốn sách mà mình yêu thích.


Cuốn sách Việt Nam sử lược dày gần 500 trang được Trương Nhã Kỳ thể hiện qua mô hình sách nói với trận đánh của Ngô Quyền với quân Nam Hán

Ông Nguyễn Đức Anh Khoa – Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho hay, “Lớn lên cùng sách” là hội thi truyền thống của học sinh bậc THCS trên địa bàn quận, cùng với hội thi cấp thành phố nhằm khơi dậy tình yêu văn chương, niềm đam mê đọc sách, văn hoá đọc trong mỗi học sinh, nhà trường.

Qua mỗi năm, hội thi đều có cách thức khác nhau để đưa học sinh tiếp cận với sách, làm sao hướng đến sự trưởng thành của học sinh qua quá trình đọc, hình thành kỹ năng đọc cho các em, khơi lên tình yêu với môn ngữ văn, gắn việc học văn với việc đọc sách chứ không phải học vẹt, học chay.

“Những năm trước, hội thi sẽ đưa học sinh đi trải nghiệm theo một hành trình, từ hành trình đó các em sẽ viết cảm nhận. Năm nay, với điểm mới là cho học sinh cảm nhận trực tiếp trên cuốn sách và lựa chọn hình thức sáng tạo sản phẩm từ sách, ban tổ chức mong muốn nhìn nhận lại quá trình khơi gợi tình yêu đọc sách cho học sinh ở mỗi nhà trường; rèn cho học sinh kỹ năng đọc, tóm tắt ý chính. Điều này cũng hỗ trợ rất tốt cho học sinh khi học tập… Bằng cách thiết kế đọc sách và trải nghiệm về sách qua các sản phẩm sáng tạo, hội thi mong muốn sẽ phát huy hết khả năng của học sinh, là hành trình để các em trưởng thành từ chính trang sách,tự tin hơn vào bản thân mình” – ông Khoa nói thêm.

Đặc biệt, theo ông Khoa, việc dành nhiều thời lượng để học sinh đọc sách trước khi bước vào thiết kế sản phẩm, hội thi cũng mong muốn mỗi nhà trường quan tâm và dành thời gian nhiều hơn với việc tổ chức các hoạt động đọc trong nhà trường, thiết kế các tiết đọc sách tại trường…

Trưởng thành từ sách

Lựa chọn cuốn sách “Làm bạn với bầu trời” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để đồng hành trong hội thi, Phương Vy (học sinh lớp 8A6, Trường THCS Ngô Sĩ Liên) thiết kế mô hình từ que kem, đất sét và giấy màu mô phỏng một cậu bé đang ngồi vẽ tranh và kèm theo một bức tranh vẽ về bầu trời.


Mô hình là cách được nhiều học sinh sử dụng để tái hiện lại thông điệp của mỗi cuốn sách

“Tác phẩm nhẹ nhàng, kể về một cậu bé tên Tèo kém may mắn chỉ nằm một chỗ bên cạnh cửa sổ nhìn bầu trời, không đi lại được. Bằng tinh thần lạc quan cậu tiếp tục sống với nỗ lực, và truyền niềm vui sống đó đến người xung quanh. Qua mô hình cùng bức tranh với màu sắc tươi sáng, hồn nhiên, em mong muốn có thể truyền thông điệp về sự lạc quan từ tác phẩm đến với chính mình và mỗi người xung quanh”.

Nguyễn Quỳnh Ngân (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều) lại chọn cuốn sách Quà tặng cuộc sống với mẩu truyện “Hãy nâng niu từng phút giây bạn có” và gửi gắm thông điệp đó qua một mô hình đọc sách thiền.

“Câu chuyện kể về 2 người bạn mất đi người mình yêu thương nhất, để vượt qua nỗi đau mất mát này không hề dễ dàng, đòi hỏi cả một quá trình cùng với sự nỗ lực. Thông điệp em muốn gửi gắm qua mô hình của mình là hãy trân trọng từng phút giây mình đang có, đó có thể là những phút giây đời thường bên gia đình, bạn bè… Mọi phút giây đều đáng quý”.

Trong thời gian 60 phút đọc cuốn Việt Nam sử lược dày 648 trang, Trương Nhã Kỳ – học sinh lớp 8A5, Trường THCS Trường Chinh quyết định chọn cách thiết kế sách nói để tái hiện lại trận đánh của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán (năm 931-938).

“Hiện nay, nhiều bạn cho rằng lịch sử rất nhàm chán. Thế nhưng theo em thì lịch sử không hề nhàm chán, chỉ là do chúng ta chưa tiếp cận lịch sử một cách đúng cách, thực sự thú vị. Qua sản phẩm sách nói, vừa xem tranh, vừa nghe sách nói, em muốn các bạn thấy được rằng lịch sử hay như thế nào…” – Kỳ bày tỏ.

Cô Đinh Thị Ngọc Nhung (Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều) đánh giá, việc đổi mới hình thức hội thi “Lớn lên cùng sách” tác động đến việc dạy và học ngữ văn trong nhà trường, buộc giáo viên trong quá trình dạy phải gắn với việc khuyến khích học sinh đọc sách, khơi dậy tình yêu sách trong các em, tổ chức các hoạt động trải nghiệm với sách. Thông qua giờ đọc sách tại thư viện hàng tuần trong các giờ ra chơi, từ trải nghiệm về sách tại đường sách…

“Việc thay đổi và hình thành cho học sinh thói quen đọc sách sẽ hình thành tư duy, năng lực cảm thụ cho học sinh, tác động đến việc dạy và học môn ngữ văn theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, vì văn học là cuộc sống…”.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)